Ông Sử Văn Ngọc đam mê văn hóa dân gian

(NTO) Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin giới thiệu ông Sử Văn Ngọc (ảnh) đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian của đồng bào Chăm và đồng bào Raglai khu vực Nam Trung Bộ. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Chúng tôi về làng Chăm Bàu Trúc (Phước Dân, Ninh Phước) tìm gặp ông Sử Văn Ngọc trong dịp toàn tỉnh kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã dành gần trọn cuộc đời mình tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Với số lượng xuất bản 16 đầu sách và hàng chục đề tài nghiên cứu đã đưa ông trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành lĩnh vực văn hóa dân gian Chăm, Raglai. Đưa ra hai tập sách in ấn đẹp, bìa trình bày trang nhã mới được xuất bản trong những năm gần đây, ông Sử Văn Ngọc chia sẻ niềm vui: Đây là những công trình nghiên cứu của tôi mới vừa cho ra mắt bạn đọc đó là cuốn Lễ hội Rija Nagar của người Chăm do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2016. Đặc biệt là tập sách huyền thoại và truyền thuyết Chăm do Nxb Trí thức ấn hành năm 2018, được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng giải Nhì năm 2017 (không có giải Nhất) dành cho công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch. Tôi tập trung nghiên cứu, giới thiệu truyền thuyết gắn liền 5 đền tháp từ Bình Thuận đến Khánh Hòa, gồm: Nữ thần Po Sah Inâ (Phú Hài, Phan Thiết), Po Dam (Lạc Trị, Tuy Phong), Nữ thần Po Ina Nagar (Nha Trang và Ninh Phước), Po Romé (Hậu Sanh, Ninh Phước), Po Klaong Garai (Đô Vinh, Phan Rang- Tháp Chàm). Các đền tháp diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tâm linh vào dịp Lễ hội Katê hằng năm. Đồng thời thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu văn hóa dân tộc Chăm.

Thời trai trẻ, ông Sử Văn Ngọc đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn học tập tốt nghiệp ngành điều dưỡng viên tại Huế. Sau khi ra trường, ông trở về Ninh Thuận làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ninh Phước. Trong một lần họp mặt tộc họ, ông nghe một người cao tuổi là ông Trượng Thất đọc hai câu thơ của đồng bào Chăm: “Đời này lắm đá tảng, không có ngọc. Dân tộc Chăm ta lúa ít, cỏ nhiều”. Ông chợt “ngộ” ra là văn hóa dân gian Chăm đang bị mai một cần có người sưu tầm, gìn giữ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ quyết định xin nghỉ việc về nhà chuyên tâm học tập, nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm. Buổi đầu “khởi nghiệp”, ông mua tập vở học trò nhờ lão nông Trượng Thất dạy học chữ Chăm. Ông tiếp tục đọc sách “Em học chữ Chăm” của Học giả Thiên Sanh Cảnh. Nhờ sách hướng dẫn dễ học dễ hiểu, ông Ngọc nhanh chóng biết đọc, biết viết chữ Chăm. Có vốn liếng chữ Chăm, ông bắt đầu nghiên cứu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Vào thời điểm này, ông gặp Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đến Thuận Hải nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm. Nhờ đức tính cần mẫn, thận trọng, vui sống chân thành nên ông được Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên thương quý, tin yêu mời làm cộng tác viên nghiên cứu văn hóa. Ông nhớ mãi kỹ niệm tác phẩm đầu tay được đăng trên kỷ yếu Dân tộc học năm 1978 là bài ”Đám ma của người Chăm Bàlamôn ở Thuận Hải”. Đây là hạnh phúc lớn lao của ông trong buổi đầu làm công tác nghiên cứu có bài đăng trên tạp chí văn hóa có uy tín, tạo động lực cho ông tiếp tục theo học chữ Chăm với Học giả Thiên Sanh Cảnh và cộng tác với ông Nguyễn Hải Liên nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của đồng bào Chăm và đồng bào Raglai trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận Đầu năm 1994, ông được lãnh đạo ngành Văn hóa- Thông tin mời về làm cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Văn hóa Chăm. Tròn 40 năm dồn sức tập trung nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Sử Văn Ngọc được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng và các nhà xuất bản in ấn 16 đầu sách. Trong đó có thể kể tới các tập sách: Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc năm 2000; Hệ thống thủy lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận- Bình Thuận, Nxb Văn hóa Dân tộc năm 2002; Sử thi Sa Ea, Nxb Khoa học Xã hội năm 2009; Văn hóa làng truyền thống người  Chăm tỉnh Ninh Thuận, NXB Dân trí năm 2010; Nghi lễ cuộc đời của người Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc năm 2011; …

Đồng chí Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân nhận xét: Ông Sử Văn Ngọc có tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản nhiều tác phẩm về văn hóa dân gian. Ông tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn phong tục, tập quán, lễ nghi theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm địa phương và chăm lo nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành, tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển.