Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về ứng phó hạn hán năm 2018

(NTO) Ngày 19-4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó hạn hán năm 2018. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. Tại 7 điểm cầu, có lãnh đạo Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống hạn tỉnh đã báo cáo nhanh về kế hoạch ứng phó hạn năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, trong mùa khô năm 2018 khả năng xuất hiện hạn hán thiếu nước cục bộ ở một số vùng, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân và gia súc. Tính đến ngày 17-4, tổng dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn 120,56 triệu m3/194,49 triệu m3, khoảng 61,99% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 100,89 triệu m3/165 triệu m3. Một số hồ chứa nước có dung tích nhỏ bị cạn kiệt. Dự kiến có 2.304 hộ/9.947 nhân khẩu của một số địa phương có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ. Nếu hạn gay gắt, kéo dài, ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng sẽ gây thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước ngọt phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khác; gây ô nhiễm môi trường, thiếu thức ăn, nước uống, dịch bệnh trên người và vật nuôi, nguy cơ cháy rừng, cháy nổ cao...ảnh hưởng đến đời sống và tác động toàn diện đến các ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,  Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; 
Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến.

Để chủ động ứng phó hiệu quả, dự thảo kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung ưu tiên công tác tuyên truyền; ổn định đời sống dân sinh; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các hoạt động sản xuất khác; chuyển giao khoa học công nghệ; phòng, chống hoang mạc hóa, ngăn ngừa xâm nhập mặn; các lĩnh vực văn hóa-xã hội; bảo vệ rừng và phòng chống cháy nổ...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các ngành, đơn vị, địa phương báo cáo về tình hình hạn, kế hoạch và các giải pháp về công tác ứng phó hạn trong thời gian đến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy nhất trí cao với dự thảo kế hoạch ứng phó hạn năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Chủ động ứng phó phòng, chống hạn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và là trách nhiệm của cả người dân. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các ngành, địa phương cần chủ động triển khai các giải pháp ứng phó có hiệu quả; kiên quyết không để dân khát, dân đói, dịch bệnh do hạn hán gây ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến tình hình hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu; các chủ trương, giải pháp của tỉnh trong công tác ứng phó với hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu để nhận thức đúng, đầy đủ, nhằm tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của Nhân dân; nhất là việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình hay, cách làm tốt của địa phương, đơn vị và Nhân dân trong phòng, chống hạn hán.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các ý kiến đóng góp, giải trình và kiến nghị của các đại biểu dự họp, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-cơ quan thường trực của tỉnh về ứng phó hạn hán bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch ứng phó hạn năm 2018 trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ký ban hành ngay trong ngày 19-4. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động, khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân trong việc ứng phó với hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cơ quan thường trực, các ngành, địa phương phải chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; chủ động huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả. Các giải pháp ứng phó với hạn hán và biến đổi khí hậu phải mang tính đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên theo từng nhiệm vụ, từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế diễn ra trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện công tác ứng phó với hạn hán phải theo nguyên tắc: Việc sử dụng nước phải ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán phải đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.