Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính

(NTO) Thời gian qua, để góp phần đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc phục vụ tổ chức, cá nhân; thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí trong thực thi công vụ, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; tỉnh ta đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin (CNTT), nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác cải cách hành chính (CCHC).

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, những năm gần đây, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và xem việc ứng dụng CNTT là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu CCHC và xây dựng Chính quyền điện tử Ninh Thuận. Vì vậy, hạ tầng CNTT đã và đang từng bước được đầu tư nâng cấp, trải rộng trên toàn tỉnh. Hiện nay, 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cấp xã đã có mạng nội bộ; 18 sở, ban, ngành và 7 huyện, thành phố đã kết nối mạng diện rộng của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước. Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ vào năm 2014 đến nay hoạt động rất hiệu quả. Phần mềm Văn phòng điện tử đã được đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh, hiệu quả mang lại ngày càng cao.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông áp dụng công nghệ thông tin
phục vụ tốt công tác chuyên môn. Ảnh: Văn Miên

Trong năm 2017, thông qua phần mềm TDOffice, các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã số hóa trên 332.300 văn bản đến và 132.600 văn bản đi, giúp tiết kiệm chi phí ước khoảng 1,4 tỷ đồng. Hệ thống Một cửa hiện đại cũng đang được triển khai khá tốt và đã được nhân rộng tại tất cả các huyện. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đang từng bước tạo sự đổi mới về phương thức, phong cách làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch thông tin, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã cung cấp 416 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tăng 321 dịch vụ công so với năm 2016. Đặc biệt, ở mức độ 4 tăng thêm 73 dịch vụ công, đạt khoảng 25% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh. Số lượng hồ sơ giải quyết thông qua dịch vụ công trong năm 2017 đạt trên 26.000 hồ sơ.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Thực tế, trang thiết bị CNTT tại hầu hết các cơ quan, đơn vị chưa thật sự đáp ứng nhu cầu công việc của đội ngũ CBCC, VC trong việc đẩy mạnh CCHC. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã có sự phát triển vượt bậc nhưng cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong việc giải quyết khối lượng rất lớn các thủ tục hành chính toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh chưa phát triển đủ mạnh để cùng tham gia vào hoạt động ứng dụng CNTT, trong khi tỉnh vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp quy mô lớn vào đầu tư.

Phân tích về những hạn chế trên, theo đồng chí Đào Xuân Kỳ một phần là do hiện nay nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động ứng dựng CNTT hằng năm của tỉnh ta còn thấp, không đủ nhu cầu triển khai các dự án ngày càng nhiều và đa dạng. Trong khi nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan lại rất hạn chế. Hiện chỉ có 45 cán bộ chuyên trách và phụ trách về CNTT tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Ở cấp tỉnh cán bộ không nhiều, vừa bị phân tán nên hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chưa cao. Còn tại 65 UBND xã, phường, thị trấn thì không có cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm là các tổ chức, cá nhân chưa có thói quen và chưa thật sự tin tưởng vào việc gửi hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng.

Vừa qua, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm về công tác ứng dụng, phát triển hoạt động ứng dụng CNTT năm 2018 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh đã đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo lưu ý đến những hạn chế còn tồn tại hiện nay về công tác này, từ đó có những giải pháp đồng bộ và kịp thời khắc phục. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ hai nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ta trong năm 2018, đó là: Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ bằng việc ứng dụng CNTT và đưa thứ hạng về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh (chỉ số ICT Index) vào khoảng tốp 30 của cả nước.

Đồng chí Đào Xuân Kỳ cho biết thêm: trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong năm 2018 với chức năng, nhiệm vụ của ngành thông tin và truyền thông, sở sẽ có tham mưu, đề xuất các giải pháp thiết thực để việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đạt được những mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc kiến nghị đầu tư nâng cấp trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật CNTT, ngành sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh các ứng dụng liên quan như: ứng dụng chứng thư số tích hợp vào phần mềm Văn phòng điện tử TDOffice cho UBND cấp xã; chữ ký điện tử cho lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi tình hình xây dựng nghị quyết HĐND tỉnh; tiếp tục triển khai mở rộng các dịch công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp…Đồng thời sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để hướng đến hình thành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong quý II.