Hàm ý chiến lược của những diễn biến trên Biển Đông

Tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng như thế nào? Điều này có thể được đánh giá từ thực tế là 5 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy biên giới ra vùng biển quốc tế bằng cách xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ngày nay, Trung Quốc không chỉ quân sự hóa các tiền đồn mới cải tạo mà còn đặt phần còn lại của thế giới vào thế đã rồi mà không phải chịu bất kỳ chi phí quốc tế đáng kể nào.

Những diễn biến ở Biển Đông có những ý nghĩa chiến lược sâu rộng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và với trật tự hàng hải quốc tế. Những diễn biến này cũng cho thấy rõ rằng: Mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh hàng hải xuất phát từ chủ nghĩa đơn phương, đặc biệt là việc thay đổi hiện trạng lãnh thổ và lãnh hải bất chấp hành động đó vi phạm các quy tắc và luật lệ quốc tế.

Mới đây, sự kiện tàu sân bay Mỹ Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của quốc tế vì đây là lần đầu tiên một lượng lớn binh sĩ Mỹ bước chân lên lãnh thổ Việt Nam kể từ khi những lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam vào năm 1975. Tuy nhiên, ý nghĩa biểu tượng của chuyến cập cảng này không che giấu được thực tế rằng: Mỹ không có chiến lược nhất quán phản đối chương trình xây dựng đảo của Trung Quốc. Cựu Tổng thống Barack Obama là người quan tâm đến việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo, trong khi người kế nhiệm Donald Trump chỉ tập trung vào vấn đề Triều Tiên và thương mại; vấn đề Biển Đông thậm chí không nằm trong tầm ngắm của ông.

Kết quả là, Trung Quốc, với sức ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế và quân sự ngày càng lớn, đang ngày càng áp đặt ý định của mình đối với khu vực. Ví dụ, ngay sau chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, Trung Quốc đã gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng dự án khoan dầu lớn ở Biển Đông. Phản ứng trước hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, Mỹ liên tục đưa các tàu chiến đi qua vùng biển gần đó trong các “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP). Tuy nhiên, những hoạt động như vậy không thể bù đắp cho việc thiếu vắng chiến lược nhất quán của Mỹ trên Biển Đông; những hoạt động này không răn đe được Trung Quốc, mà cũng không trấn an được các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Xét cho cùng, FONOP không giải quyết được những thay đổi nhanh chóng trong khu vực, do chiến lược xây đảo của Trung Quốc. Bắc Kinh đang khẳng định quyền kiểm soát ngày càng lớn đối với Biển Đông, bằng những động thái như lắp đặt vũ khí tinh vi trên các đảo mới cải tạo. Như vậy, trên thực tế, Trung Quốc đang kiểm soát các nguồn tài nguyên hydrocarbon của khu vực, ước tính khoảng 190 nghìn tỷ feet khối (5,38 nghìn tỷ mét khối) khí tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu trong các mỏ đã được xác định có trữ lượng khả thi. Một số nhà bình luận lập luận rằng nếu Trung Quốc làm như vậy trên Biển Đông, thì nước này cũng sẽ hướng sự chú ý đến Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Đây chính xác là những gì đang xảy ra. Về bản chất, những diễn biến như vậy có nghĩa là việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên Biển Đông đã gây tổn hại cho các nước khác, nhất là ở châu Á - từ Nhật Bản, Philippines đến Việt Nam và Ấn Độ.

Các nước hứng chịu trực tiếp hậu quả từ những hành động của Trung Quốc đã phải đứng trước những lựa chọn khó khăn, nhất là khi Bắc Kinh công khai rõ ràng quyết tâm. Nhật Bản đảo ngược một thập kỷ giảm chi tiêu quân sự, trong khi Ấn Độ khôi phục quá trình hiện đại hóa hải quân, vốn đã ngừng lại lâu nay. Tuy nhiên, các nước nhỏ không ở thế có thể thách thức Trung Quốc. Thay vào đó, vì dụ như trường hợp của Philippines – nước này đã đề nghị thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước thái độ sao nhãng chưa từng có của Mỹ, Trung Quốc vẫn tiến hành tôn tạo đất. Hiện Trung Quốc đang sử dụng máy siêu nạo vét mà các nhà thiết kế gọi là “máy xây đảo ma thuật”. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), do được “tự tung tự tác”, riêng năm 2017, Trung Quốc đã xây dựng các công trình kiên cố trên 290.000 mét vuông đất mới được cải tạo. Các đảo nhân tạo trải dài của Trung Quốc hiện tăng gấp đôi số lượng, thành các căn cứ quân sự, giống như tàu sân bay vĩnh cửu, có vai trò trải rộng đến khu vực Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, những biến động nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gây ra các bất ổn chiến lược lớn hơn và gia tăng rủi ro địa chính trị. Ngày nay, khu vực đứng trước sự lựa chọn cơ bản, đó là giữa một trật tự tự do - dựa trên luật lệ, và một trật tự không có tự do - mang tính bá chủ. Ít người muốn sống trong một trật tự bất bình đẳng và bá chủ. Tuy nhiên, nếu các nước trong khu vực không hành động cùng nhau, đây chính xác là những gì mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ nhận được. Cần có sự đồng thuận giữa tất cả những bên tham gia quan trọng, ngoài Trung Quốc, vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và dựa trên luật lệ. Hành động theo luật lệ quốc tế là trọng tâm của hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, việc thúc đẩy hợp tác rộng hơn để tăng cường sự ổn định và cân bằng quyền lực trong khu vực vẫn diễn tiến chậm chạp và không dứt khoát.

Ví dụ, việc thể chế hoá nhóm “Bộ tứ” gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ vẫn chưa diễn ra. Nếu các thành viên của nhóm “Bộ tứ” không bắt đầu phối hợp các cách tiếp cận để tạo ra một chiến lược khu vực hợp nhất và thúc đẩy hợp tác rộng rãi với các bên tham gia quan trọng khác, thì an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương sẽ trở nên căng thẳng hơn. Nếu Đông Nam Á, khu vực với 600 triệu dân, bị buộc phải chấp nhận quyền bá chủ của Trung Quốc trong hoàn cảnh như vậy, thì khu vực này sẽ có sức ảnh hưởng địa chính trị to lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Do vậy, để giúp thiết lập sự ổn định về quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vai trò của một nhóm nước dân chủ - được kết nối với nhau qua hợp tác chiến lược đan xen – trở nên rất quan trọng. Điều cấp thiết là phải xây dựng sự cân bằng chiến lược mới, bao gồm cán cân quyền lực ổn định.