Quý I-2018: Nền kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển động tích cực

(NTO) Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 9-10%. Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, ổn định sản xuất và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên cơ sở cụ thể hóa kế hoạch chung của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, địa phương; chủ động triển khai đồng bộ và tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Với tinh thần quyết liệt cả trong chỉ đạo và thực hiện, ngay từ quý đầu của năm đã tạo nên những chuyển động tích cực cho nền kinh tế của tỉnh với tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý được đánh giá là các lĩnh vực kinh tế tăng đều và ở mức cao so với hai năm trở lại đây.

Công ty Cổ phần Bia Sài gòn-Ninh Thuận đưa dây chuyền hiện đại vào sản xuất,
góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh. Ảnh Mai Dũng.

Một trong những ngành đạt chỉ số tăng khá so với cùng kỳ năm trước là nông, lâm, ngư nghiệp tăng 10,4%, trong đó thủy sản tăng 13,7%. Để đạt chỉ số tăng này, về nông nghiệp, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng vụ đông-xuân trên 26.193 ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ, vượt 0,7% kế hoạch. Trong đó, cao nhất là diện tích lúa đạt 16.976 ha, vượt 1,3% so với kế hoạch và tăng 1,4% so với vụ đông-xuân trước. Đáng nói là “mô hình cánh đồng lớn” tiếp tục được nhân rộng trên diện tích lúa đạt 878,7 ha; trong đó, huyện Ninh Phước đạt 664 ha, huyện Ninh Hải đạt 100 ha, huyện Thuận Nam đạt 114,7 ha. Bên cạnh đó, cây măng tây xanh cũng được đưa vào sản xuất theo mô hình nói trên, quy mô 20 ha với 45 hộ tại thôn Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước) liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận bao tiêu sản phẩm. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng về tổng đàn gia súc do không có các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, đồng thời, nhờ “đầu ra” thuận lợi với giá bán có lãi nên khuyến khích người nuôi đầu tư mở rộng quy mô. Theo thống kê, tăng cao nhất là đàn heo hiện có trên 94.960 con, tăng 21,9% so với cùng kỳ; kế đến là đàn dê 142.548 con, tăng 18%; đàn cừu 164.363 con, tăng 2,7%; đàn bò 115.380 con, tăng 0,9%, chủ yếu là ổn định đàn. Sản xuất thủy sản khá thuận lợi về thời tiết và ngư trường với sản lượng khai thác đạt trên 25.400 tấn, tăng 4,5%; riêng sản xuất tôm giống đã được phục hồi và tăng cao, đạt 8,5 tỷ con, tăng 63,7% so với cùng kỳ.

Công ty TNHH MTV Mỹ Viên (xã Phước Ninh, Thuận Nam) sản xuất
gạch không nung thân thiện với môi trường. Ảnh: Văn Miên

Sản xuất công nghiệp từng bước được phục hồi và có những “nhân tố” mới đặt nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai. Trong quý I, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 14,8%; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 57,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,1%. Sản lượng một số sản phẩm chính tăng khá so với cùng kỳ năm trước như muối các loại tăng 4,3 lần; gạch không nung tăng 91,3%; chế biến tôm đông lạnh tăng 68,8%; nhân hạt điều tăng 11,2%; may mặc tăng 36,1%; phân hữu cơ tăng 30%; điện thương phẩm tăng 14%; bia tăng 6,3%; khăn bông tăng 11,4%... Nổi lên trong quý là các dự án điện gió, điện mặt trời và một số dự án công nghiệp chế biến, thương mại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng để sớm đưa vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết, góp phần tạo giá trị tăng trưởng mới cho nền kinh tế của tỉnh. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, nếu như cùng thời điểm này năm 2017 chỉ đạt 9,3 triệu USD, giảm đến 24,2% thì chỉ trong quý I năm nay đạt 13,8 triệu USD, tăng 49,7% so với cùng kỳ.

Các ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng chung với chỉ số tăng 11,1% về giá trị sản xuất toàn ngành. Trong đó, khởi sắc nhất là hoạt động du lịch, lượng du khách đến vui chơi, nghỉ dưởng tại các điểm du lịch trong tỉnh trên 735,5 ngàn lượt người, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế 45,5 ngàn lượt, đạt 46% kế hoạch, tăng 4,5%; tổng doanh thu du lịch đạt trên 234 tỷ đồng, tăng 7,8%...

Kết quả vượt trội trong quý đầu năm nay đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt về thu hút các dự án đầu tư FDI đạt 60 triệu USD, đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định. Chỉ tính đến giữa tháng 3-2018, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm cho 25 dự án, với tổng vốn đăng ký 20.679 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ. Đây còn là kết quả từ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện, minh chứng rõ nhất là chỉ số PCI năm 2017 tăng hơn 10 bậc và đứng đầu nhóm các tỉnh xếp hạng khá. Công tác phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp được tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong quý I, có 94 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22,1% và số vốn đăng ký 3.841 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ. Đáng nói là trong quý có 28 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động trong năm 2017, nay đã quay trở lại sản xuất kinh doanh.

Những chuyển động tích cực nền kinh tế của tỉnh ngay trong quý đầu của năm nay sẽ là cơ sở tạo đà để các ngành, địa phương thực hiện với những “bức phá” cao hơn trong thời gian tới, góp phần hoàn thành đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm “bản lề” năm 2018.