Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

(NTO) Năm 2017, tỉnh ta đã đưa được 147 lao động (LĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 122,5%, tăng 42,72% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là năm đầu tiên hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Phát huy những kết quả của năm 2017, ngay từ những tháng đầu năm 2018, tỉnh ta đang tích cực đẩy mạnh hoạt động XKLĐ, phấn đấu đạt chỉ tiêu đưa tối tiêu 120 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến thời điểm này đã đưa 63 LĐ đi XKLĐ, các LĐ chủ yếu làm việc tại thị trường Nhật Bản và Ả rập Xê út. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động XKLĐ của tỉnh ta trong năm 2018. Để có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp các ngành. Bên cạnh đó với việc tổ chức các hội nghị chuyên đề về XKLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác giải quyết việc làm, kịp thời tư vấn, cung cấp thông tin cho người LĐ, chủ yếu là thanh niên để họ có cái nhìn đầy đủ về chính sách, pháp luật XKLĐ.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Tràng An
tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Ảnh Văn Nỷ.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động XKLĐ tại tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước hết, tâm lý người LĐ tỉnh ta vẫn còn khá e dè, ngại đi xa, ngoài ra chi phí để tham gia XKLĐ là một trở ngại rất lớn đối với nhiều LĐ trong tỉnh. Để giải quyết vấn đề này tỉnh ta đã trích 2 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ cho vay cho các đối tượng thuộc diện ưu đãi theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ (đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng). Có thể nói rằng, đây là “cú hích” rất lớn để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đối với các đối tượng trên khi tham gia XKLĐ. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, qua 2 năm 2016-2017, số đối tượng này có nhu cầu vay không nhiều và tỷ lệ tham gia XKLĐ cũng không cao, chỉ chiếm dưới 30% trên tổng số LĐ đã xuất cảnh. Những LĐ ngoài diện được cho vay ưu đãi có nhu cầu thực sự để đi XKLĐ lại không có chi phí để tham gia, chính vì vậy phần nào cũng hạn chế số lượng LĐ của tỉnh ta đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Vấn đề chi phí chính là rào cản đối với nhiều LĐ muốn tham gia XKLĐ. Thực tế hiện nay có nhiều LĐ sau khi phỏng vấn và hoàn tất khóa học, chuẩn bị xuất cảnh nhưng không vay được tiền nên đành bỏ dở. Do đó để giải quyết vấn đề này, rất mong UBND tỉnh nên mở rộng cho vay đối với các đối tượng còn lại, trong đó chú trọng các LĐ thuộc diện bộ đội xuất ngũ trở về địa phương vì đây là lực lượng có chất lượng tốt khi tham gia XKLĐ.

Cùng quan điểm trên, ông Hà Anh Quang, nhấn mạnh: Bên cạnh việc giải quyết vốn cho các đối tượng ngoài diện được vay ưu đãi từ ngân sách tỉnh, thời gian tới ngành sẽ tập trung đưa các LĐ có tay nghề đi XKLĐ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành và nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ theo Chỉ thị 04-CT/TU ngày 13-11-2015 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Đề án XKLĐ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020; phối hợp với các công ty XKLĐ hoặc các trung tâm, các đơn vị có năng lực để liên kết mở lớp đào tạo ngoại ngữ cơ bản tại tỉnh nhằm thu hút LĐ và giảm chi phí học ngoại ngữ đối với người LĐ. Bên cạnh đó sẽ thiết lập kênh thông tin kết nối giữa người LĐ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý LĐ tại địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người LĐ.

Có thể khẳng định rằng, giải quyết việc làm thông qua XKLĐ là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, kinh nghiệm làm việc cho người LĐ, giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta hiện nay.