Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản

Tạp chí The Diplomat gần đây có bài viết đánh giá về các cam kết của Nhật Bản trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa (FOIP), nội dung như sau:

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono coi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa là 1 trong 6 ưu tiên trong chính sách đối ngoại hiện nay của Nhật Bản. Nhật Bản đã rất nỗ lực thuyết phục các quốc gia, bao gồm cả Anh và Pháp, tham gia chiến lược này. Tuy nhiên, giải thích của Nhật Bản về FOIP có thật sự hấp dẫn hay không? Chiến lược này thực chất là gì? Phải chăng đây chỉ là vỏ bọc cho lợi ích kinh tế và ảnh hưởng chính trị hẹp hòi của họ?

Mục đích chính của FOIP do Nhật Bản đưa ra là thúc đẩy kết nối châu Á với Trung Đông và châu Phi. Điều này có nghĩa là chiến lược sẽ liên quan chặt chẽ đến việc thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển. Do đó không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Hội nghị Quốc tế về Phát triển châu Phi (TICAD) làm địa điểm để lần đầu tiên tuyên bố về chiến lược trên hồi tháng 8-2016.

Sự nhiệt tình của Nhật Bản đối với FOIP xuất phát từ bối cảnh trong nước: dân số giảm, tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào việc tiếp cận thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà Nhật Bản cam kết có thể bị một Trung Quốc quyết đoán và một Chính quyền Mỹ không muốn thương mại tự do đe dọa. Động thái của Washington đã thúc đẩy Tokyo làm nhiều hơn để duy trì trật tự thế giới dựa trên pháp luật.

Một trong những động cơ thúc đẩy FOIP của Chính phủ Abe là Nhật Bản xác định xuất khẩu cơ sở hạ tầng là ưu tiên phục hồi nền kinh tế trong nước. FOIP có thể hỗ trợ Nhật Bản mở rộng xuất khẩu cơ sở hạ tầng sang các nước châu Á, Trung Đông và châu Phi, đặc biệt nếu các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc bị loại khỏi cuộc chơi. Tháng 2-2018, cơ sở hạ tầng gắn với FOIP đã được Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ thảo luận.

Mặc dù chắc chắn Nhật Bản có những động cơ riêng, song FOIP được trình bày như là lợi ích của tất cả các quốc gia. Cụ thể, FOIP sẽ duy trì tự do hàng hải toàn cầu, đảm bảo pháp luật quốc tế để các quốc gia có quyền bình đẳng như nhau. Ngoài việc hỗ trợ tự do hàng hải được ghi trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Nhật Bản cũng tuyên bố những hỗ trợ và lợi ích khác của FOIP. Điều này đã được Abe phát biểu tại TICAD 2016 khi khẳng định "Nhật Bản chịu trách nhiệm thúc đẩy kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, kết nối châu Á với châu Phi, tạo ra một khu vực tự do dựa trên pháp luật và nền kinh tế thị trường, không bị áp lực hoặc ép buộc, các bên cùng thịnh vượng”. Abe cũng nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc dân chủ trong sự phát triển ở châu Á và các giá trị này cần phải được củng cố ở những khu vực khác. Ngoại giao theo định hướng giá trị trên là một đặc điểm của Chính phủ Abe ngay từ giai đoạn đầu nắm quyền vào năm 2006-2007, khái niệm lúc đó là "Vòng cung tự do và thịnh vượng".

FOIP rõ ràng là đối thủ cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Sáng kiến này cũng tìm cách kết nối châu Á với các khu vực lân cận thông qua những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Tokyo đang cố gắng phân biệt chiến lược của họ với Bắc Kinh bằng cách nhấn mạnh tự do và mở cửa cũng như các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Khái niệm FOIP có thể đóng góp tích cực cho toàn khu vực nếu thực sự đưa ra những nguyên tắc đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật hơn sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tokyo cần phải chứng minh được rằng những cam kết đối với luật pháp quốc tế và các giá trị dân chủ không phải chỉ là trên giấy tờ.