Người Việt lao động bất hợp pháp tại Thái Lan rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

(NTO) Theo đài RFA, hàng nghìn người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở Thái Lan đối diện với nguy cơ bị phạt nặng hoặc trục xuất về nước trước các đợt truy quét theo luật nghiêm ngặt của chính quyền nước này đối với lao động bất hợp pháp.

Chính phủ Thái Lan cho biết ngày 31-3-2018 là hạn chót cho việc đăng ký hợp pháp hóa những lao động nhập cư trái phép và không muốn gia hạn thêm thời gian đăng ký cho người làm việc không giấy tờ nữa. Truyền thông Thái Lan dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha yêu cầu những người nước ngoài chưa có giấy phép lao động và thị thực cư trú trở về nước, nếu không, sẽ đối mặt với hành động pháp lý nghiêm khắc.

Vướng mắc pháp lý

Theo thông tin từ Bộ Lao động Thái Lan, hiện cơ quan này chỉ cấp phép cho lao động mang quốc tịch Việt Nam hoạt động trong hai ngành là đánh bắt cá và xây dựng. Các ngành khác, hai nước chưa có thỏa thuận chính thức. Chính vì vậy, trong đợt đăng ký làm việc này, phía Thái Lan cũng chỉ thúc đẩy cấp phép hoạt động cho các lao động Việt Nam ở hai ngành nghề vừa nêu.

Anh Cao Lâm, làm việc trong Hiệp hội người Công giáo Việt Nam tại Thái Lan, người am hiểu nhiều về đời sống công nhân Việt Nam tại xứ Chùa Vàng, nói anh được biết chỉ khoảng vài chục người được công nhận tư cách pháp lý để tiếp tục ở lại làm việc. Hàng nghìn người khác không đăng ký được. Anh Lâm nói: “Đa phần người Việt Nam qua đây làm ăn kinh doanh, bán hàng, may mặc, du lịch và các nghề tự do. Mà luật lao động Thái Lan chỉ cấp phép cho hai ngành đánh bắt cá và xây dựng. Trên thực tế, hai ngành này lao động Việt Nam không ưa chuộng, có mấy ai làm đâu, vì thu nhập rất thấp mà đăng ký thì cần nhiều thủ tục rườm rà.”

Một thực tế của những người Việt chọn đất Thái để mưu sinh là vì đời sống tốt hơn, mức thu nhập cao hơn Việt Nam và người Thái thân thiện, không kỳ thị người nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của những người tha phương cầu thực là không có địa vị pháp lý. Đa phần họ là những người nhập cư trái phép, đi du lịch rồi ở lại quá hạn visa, hoặc lao động trốn ra ngoài khi hết hợp đồng lao động.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Giới chủ sử dụng lao động người nước ngoài, chủ yếu là người Việt, để giảm chi phí nhân công và bù đắp vào những ngành mà người bản địa không muốn làm. Trước áp lực buộc phải đăng ký lao động, nhiều xưởng sản xuất thủ công đã lâm vào tình trạng thiếu nhân công trầm trọng.

Bộ Lao động Thái Lan thông báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc việc môi giới và sử dụng lao động bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp thuê người nước ngoài làm việc không giấy tờ có thể đối mặt với tội danh buôn người. Mức phạt cho chủ thuê và môi giới lao động có thể từ 600.000 đến 1 triệu baht (tương đương khoảng 17.000 - 29.000 USD). Lý do khác mà các doanh nghiệp lo ngại khi thuê lao động nước ngoài còn là vấn đề đóng thuế và các chi phí an sinh xã hội cho những lao động này cao.

Anh Cao Lâm cho biết trong các chiến dịch truy quét gần đây, nhiều người Việt đã bị bắt giữ và nộp phạt. Một lao động bất hợp pháp có thể bị nộp một khoản tiền phạt lên tới 3.000 USD và chịu mức án 5 năm tù giam.

Theo TTXVN