Đoàn kết - dân chủ - sáng tạo và phát triển

(NTO) Thành lập vào ngày 4-4-1955, trải qua 63 năm xây dựng và phát triển; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 12 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Từ 40 hội viên ban đầu, đến nay có hơn 63.000 hội viên; 63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 52 chi hội ở các bộ, ngành trực thuộc Trung ương Hội.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập và Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong thời gian qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực công tác. Trước hết, đó là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã được Quốc hội tin, giao chủ trì soạn thảo Pháp lệnh Trọng tài thương mại, Luật trưng cầu ý dân và đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đề ra.

Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được chú trọng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm. Hiện nay, toàn Hội có 65 trung tâm tư vấn pháp luật, trong đó 11 trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và 54 trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016 (Đề án 1133). Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng là một trong những hoạt động nổi bật, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp Hội và hội viên. Các cấp Hội đã triển khai tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và đia phương với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các cuộc tuyên truyền lưu động, tập huấn văn bản; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc, đưa nội dung tuyên truyền vào các chương trình văn nghệ, cổ động; biên soạn và phát hành bản tin pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật, chuyên đề pháp luật về phòng, chống tội phạm; xây dựng tủ sách pháp luật, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật …

Lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích
xuất sắc trong công tác Hội năm 2017. Ảnh: Sơn Ngọc

Các hoạt động tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật và hòa giải ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp. Cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp ở một số tỉnh, thành phố; tham gia nhiều hoạt động khác về cải cách tư pháp. Đã tổ chức 14 cuộc hội thảo khoa học, đóng góp nhiều ý kiến vào các đề án, văn bản quan trọng như: Đề án Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam; Đề án Nghiên cứu chuyểnViện Kiểm sát thành Viện Công tố; Đề án Nghiên cứu thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; Đề án về cơ quan quản lý thi hành án; Đề án thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên..., Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp” để trình Ban Chỉ đạo trong năm 2018. Các cấp Hội đã tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở và đã hòa giải thành gần 82.900 các vụ, việc tranh chấp lớn, nhỏ.

Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Hội đã cử cán bộ tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ Quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) và Hiệp hội Luật các nước châu Á – Thái Bình Dương (COLAP). Ngoài ra, Hội tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức luật gia có uy tín trong khu vực và trên thế giới như: Trung tâm Luật khu vực Mêkông do 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan thành lập năm 1995. Trung ương Hội đã đăng cai tổ chức một số cuộc hội thảo về các chủ đề pháp luật kinh doanh, pháp luật thương mại quốc tế như: “Pháp luật về mua bán và vận chuyển hàng hoá quốc tế”, “Quyền sở hữu trí tuệ”, “Luật thương mại và đầu tư”. Hội cũng thiết lập quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức luật gia trên thế giới.

Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận được thành lập từ ngày 2-1-1997 (trên cơ sở 19 hội viên từ tỉnh Thuận Hải chuyển ra); đến nay đã qua 4 kỳ đại hội với 634 hội viên gồm 7/7 huyện, thành phố đều có tổ chức Hội; 15 chi hội cơ sở trực thuộc tỉnh Hội; 29 chi hội luật gia xã, phường thuộc hội luật gia các huyện, thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo của Hội Luật gia Việt Nam và UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố cùng với sự nỗ lực phấn đấu thực hiện phương châm được xem là kim chỉ nam xuyên suốt của Hội Luật gia với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo và Phát triển” đã góp phần tích cực phục vụ các yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương. Những kết quả đạt được đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2011-2015; Cờ thi đua xuất sắc năm 2016; Hội Luật gia Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2014; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh; Hội Luật gia Việt Nam và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh... Hiện nay, các cấp Hội ở địa phương tiếp tục phát huy “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo và Phát triển” với tinh thần “hướng về cơ sở, mở rộng cơ chế tham gia, tạo đà phát triển” và phương pháp thi đua “tìm việc mà làm, tìm hay mà học, tìm sai mà sửa”... Phát huy kết quả đạt được, trên cơ sở quán triệt nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW để phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội...