Ninh Sơn tạo "sức bật" cho tăng trưởng kinh tế ngay từ những tháng đầu năm 2018

(NTO) Năm 2018, huyện Ninh Sơn đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 11% trở lên. Do vậy, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương cụ thể hóa kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời xác định các “chỉ tiêu” mang tính đột phá để tập trung thực hiện. Bằng quyết tâm cao nhất để đạt kết quả ngay từ quý đầu của năm, tạo đà cho phát triển những quý tiếp theo, có thể nói Ninh Sơn đã đạt được yêu cầu chung đề ra, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.

Với kết quả tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ đông-xuân toàn huyện gần 6.520 ha, đạt 100,79% kế hoạch (KH). Trong đó, nhiều cây trồng chủ lực gieo trồng vượt KH như cây lương thực nông dân trong huyện đã xuống giống gần 4.833 ha, đạt 102,76% KH; cây tinh bột gieo trồng 253 ha, vượt 164,38% KH; cây thực phẩm gieo trồng được 898,8 ha, đạt 110,31% KH. Riêng các cây nguyên liệu công nghiệp chế biến như cây mì đã vào vụ thu hoạch với diện tích trên 1.670 ha, đạt 80% diện tích trồng, năng suất bình quân (NSBQ) ước đạt 21 tấn/ha, giá thu mua 2.050 đồng/kg mì tươi với 30 chữ bột; cây mía đã thu hoạch 1.246 ha, đạt 36,5% diện tích trồng, NSBQ ước đạt 65 tấn/ha, giá thu mua từ 800.000 đồng/tấn mía có 10 chữ đường. Theo nhiều nông dân cho biết, với giá mua hiện nay của doanh nghiệp, nông dân có lãi nhưng không cao. Về chăn nuôi, huyện tiếp tục duy trì tương đối ổn định đàn gia súc, ước tính tổng đàn hiện có hơn 78.050 con. Trong đó, đàn bò 19.500 con, đàn heo 24.700 con, đàn dê 8.200 con, đàn cừu 25.500 con,... Đàn gia cầm hiện có trên 168.200 con, trong số này, nhiều nhất là đàn gà 122.400 con. Nhờ chú trọng kiểm soát chặt chẽ, ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi được năng lên nên không có dịch bệnh xảy ra trong những tháng đầu năm.

Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) sản xuất
hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã có nhiều khởi sắc. Trong quý I-2018, giá trị sản xuất tăng 14,1% so với cùng kỳ, trong đó cao nhất là khu vực công nghiệp tư nhân tăng 27,2%. Kinh tế phát triển đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong huyện, thể hiện qua sức mua và dịch vụ tiêu dùng xã hội với tổng mức đạt trên 266,7 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Góp phần quan trọng để tạo “sức bật” cho nền kinh tế của huyện phải kể đến dòng vốn đầu tư của ngân hàng. Theo đó, tổng số vốn cho vay trong 3 tháng đầu năm trên 228,7 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, góp phần nâng tổng dư nợ đến cuối tháng 3-2018 đạt trên 1.305,4 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ trung hạn và dài hạn 899,3 tỷ đồng, tăng 30,2% và chiếm 68,9% trong tổng số dư nợ; dư nợ ngắn hạn 406,1 tỷ đồng, tăng 7,4%. Từ nguồn vốn này đã tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh,nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong quý II-2018, huyện sẽ tập trung chỉ đạo việc chăm sóc và thu hoạch cây trồng vụ đông-xuân; triển khai kế hoạch gieo trồng vụ hè-thu đảm bảo đúng tiến độ và hết diện tích. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi hiện có, huy động nông dân nạo vét kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nước tưới về vùng cuối kênh. Tiếp tục triển khai nhân rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, từng bước chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển toàn diện nông, lâm, thuỷ sản gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả năng lực sản xuất của các cơ sở hiện có như sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề tiểu-thủ công nghiệp, điện, tạo thuận lợi và tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công nghiệp đang triển khai xây dựng. Khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống nhân dân.