Thế giới trong tuần

1. LHQ kêu gọi hỗ trợ chỗ ở cho người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

Ngày 29-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết hàng chục nghìn người tị nạn Rohingya tại Bangladesh cần được bố trí nơi ở mới để tránh những trận lụt cũng như nhiều mối đe dọa khác vào mùa mưa.

Theo Liên hợp quốc, hiện có khoảng 150.000 người Rohingya đang sinh sống tại những khu vực thường xuyên bị lụt lội trong các lán trại chật chội ở huyện Cox Bazar, miền Đông Nam Bangladesh và có nguy cơ nhiễm nhiều bệnh tật vào mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 6, như dịch tả. Theo ông Guterres, mùa mưa sắp tới sẽ là vấn đề vô cùng đáng lo ngại và những người tị nạn Rohingya sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu không có biện pháp hỗ trợ. 

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của Liên hơp quốc ở New York, Mỹ, ông Guterres cho biết đã thảo luận với Chính phủ Bangladesh về việc bố trí nơi ở mới cho người tị nạn Rohingya đồng thời nhấn mạnh những nơi vùng đất cao sẽ là chỗ ở tốt cho lần di chuyển này. Hiện chính quyền Dhaka đang tiếp tục thảo luận với các cơ quan Liên hợp quốc về việc bố trí nơi ở mới cho người tị nạn Rohingya. Một số nguồn tin cho hay giới chức Bangladesh đề xuất chuyển người Rohingya tới một hòn đảo hẻo lánh. 

Làn sóng bạo lực nổ ra tại bang Rakhine từ ngày 25-8-2017 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại đây buộc chính phủ phải triển khai các chiến dịch an ninh. Bạo lực khiến khoảng 700.000 người Rohingya sinh sống tại bang này phải rời bỏ nhà cửa chạy sang Bangladesh lánh nạn.

2. Các bộ trưởng G7 tìm kiếm giải pháp cho thị trường việc làm tự do hoặc ngắn hạn trong tương lai. Vừa qua, tại thành phố Montreal của Canada đã khai mạc Hội nghị cấp bộ trưởng về việc làm và đổi mới của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới(G7).

Đây là Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của G7 trong năm nay do Canada làm Chủ tịch với chủ đề “Chuẩn bị việc làm cho tương lai”, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc làm và thúc đẩy việc làm trong sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự thay đổi của thị trường, cùng với những tiến bộ và thách thức mới. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Lao động và Việc làm nước chủ nhà Patty Hajdu nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng của hội nghị là tạo ra nhóm công tác về việc làm chịu trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về những lĩnh vực ưu tiên cho nhóm G7. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về cách thức giúp đỡ những lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc, một vấn đề đang được nhiều nước thành viên quan tâm trong bối cảnh phải giải quyết bài toán chi tiêu công và tình trạng lão hoá dân số. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Đổi mới, Khoa học và Phát triển Kinh tế Canada Navdeep Bains nhấn mạnh đến việc các nước thành viên cần chuẩn bị tốt cho thị trường việc làm “Gig” (thị trường việc làm tự do hoặc ngắn hạn) trong tương lai, được xác định bởi đặc trưng sẽ có ít việc làm toàn thời gian và tăng số việc làm bán thời gian. Ngoài ra, các nước G7 cũng cần chú trọng việc giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp do sự thay đổi của khoa học công nghệ,  nhất là công nghệ tự động hoá.

3. Công nghệ - động lực thúc đẩy đầu tư của ASEAN. Phát biểu tại diễn đàn đầu tư Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018 vừa diễn ra tại Singapore, ông Dato’ John Chong, Tổng giám đốc Tập đoàn Maybank KimEng (Malaysia), nhận định công nghệ sẽ là một trong hai động lực chính thúc đẩy các luồng đầu tư của ASEAN trong thập niên tới. 

Theo ông Dato’ John Chong, công nghệ đang tác động đến hầu hết các ngành công nghiệp và đầu tư cho các công ty công nghệ mới khởi nghiệp (startup) đang ngày càng gia tăng tại khu vực. Số liệu thống kê cho thấy tài trợ cho các công ty công nghệ mới khởi nghiệp trong ASEAN đã tăng mạnh trong hai năm trở lại đây. Ông Dato’ John Chong nhấn mạnh: “Thị trường thương mại điện tử ở ASEAN vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm và dự báo có thể sẽ tăng lên theo cấp số nhân, nhờ những đổi mới trong thanh toán điện tử và việc ứng dụng các nền tảng công nghệ cao”. 

Nhận định về thị trường Việt Nam, ông Dato’ John Chong chia sẻ Việt Nam là một thị trường cốt lõi của Maybank KimEng tại khu vực trong lĩnh vực thương mại điện tử bởi cơ cấu dân số hấp dẫn và nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng. Với đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội ở ASEAN, ông Dato’ John Chong cho biết sắp tới, vào quý II-2018, tập đoàn sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên thêm 10 triệu USD để đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như ngân hàng. 

Tại diễn đàn đầu tư ASEAN thường niên này, hơn 900 đại diện đến từ 132 quỹ đầu tư toàn cầu và gần 60 doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ các cơ hội đầu tư trong khu vực trên cơ sở nhận định các xu hướng về địa chính trị, kinh doanh và công nghệ có thể chi phối sự phát triển của ASEAN trong tương lai.