Phước Thái giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập của nông dân

(NTO) Qua hơn 2 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Phước Thái (Ninh Phước) có nhiều khởi sắc. Công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí được xem là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mà địa phương và nhân dân trong xã đang quyết tâm thực hiện.

Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, nhìn nhận: Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng, tạo đà cho địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới. Trong 19 tiêu chí đã đạt, tiêu chí thu nhập được xã đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao đời sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Theo đó, xã tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, sản lượng và giá trị nông sản; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ bảo đảm đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Nông dân xã Phước Thái tích cực sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Với những định hướng cụ thể và sự chỉ đạo sâu sát của UBND xã, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Thái đang có những chuyển biến rõ nét. Trong đó, kết quả nổi bật nhất mà địa phương đã đạt được trong thời gian qua chính là việc nông dân đồng thuận thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn trong vụ đông-xuân 2017-2018, với 211 hộ tham gia trên diện tích 102 ha; chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố trồng 80 ha lúa giống; thực hiện thành công mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với hơn 1.200 ha, năng suất đạt trung bình 7,5-8 tấn/ha, đem lại lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Nhiều mô hình trồng cây ngắn ngày như đậu xanh, bắp… được chuyển đổi trên vùng đất lúa và các vùng canh tác kém hiệu quả trên diện tích 106 ha cũng đem lại thu nhập khá cao cho các nông hộ. Bên cạnh đó, xã Phước Thái còn tranh thủ nguồn vốn, chính sách hỗ trợ từ dự án tam nông, vốn ngân hàng… giúp nông dân mở rộng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo bản địa, chăn nuôi dê, cừu vỗ béo. Đơn cử như hộ anh Bá Khánh (thôn Hoài Trung) từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, anh mua 10 con cừu, nhờ đầu tư chuồng trại quy củ, trồng cỏ và chăm sóc tốt nên số lượng đàn tăng lên nhanh chóng cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Phong trào phát triển kinh tế hộ bằng hình thức chăn nuôi cũng được nhân rộng ra nhiều thôn, đem lại hiệu quả kinh tế nhất định.

Song song với các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế từ nông nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ trong vài năm trở lại đây đang có xu hướng phát triển mạnh với các ngành nghề như: Sửa chữa cơ khí, gia công nông cụ, kỹ nghệ sắt nhôm, mộc dân dụng, thu mua nông sản... Ngoài ra, xã cũng chú trọng đến công tác giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hằng năm trên địa bàn xã có trên 300 lao động có việc làm ổn định… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 399/2.601 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm; số hộ khá, giàu ngày càng tăng.

Đồng chí Lưu Văn Thủy, cho biết thêm: Tiếp tục nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống người dân trong thời gian tới, địa phương tích cực tăng cường phối hợp ngành chức năng tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, giúp nông dân nắm vững các phương pháp sản xuất mới, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Đồng thời, tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích nông dân mở rộng và đa dạng các loại hình sản xuất… phấn đấu mức thu nhập đến năm 2020 đạt 35 triệu đồng/người/năm.