Đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(NTO) Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thực thi đúng các quy định của pháp luật về quyền lợi và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD).

Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng (NTD).

Hiện nay, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những hệ lụy tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính và làm suy giảm niềm tin của NTD đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính. Trước thực trạng đó, để bảo đảm QLNTD, trong năm 2017, ngành Công Thương đã tiến hành kiểm tra 9 vụ, xử lý vi phạm 4 vụ, chủ yếu ở các lĩnh vực: kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu; hàng hóa có nhãn ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc; kinh doanh hàng thực phẩm hết hạn sử dụng...Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 61,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, bình ổn giá phục vụ NTD; tổ chức 2 lần Hội chợ quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm tại tỉnh; đưa hàng Việt về nông thôn từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với thị trường nông thôn, miền núi. Ngành cũng đã hỗ trợ xây dựng 25 website cho doanh nghiệp; 81 doanh nghiệp và các cơ quan hành chính áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, trong đó, 3 doanh nghiệp đạt chứng nhận hệ thống HACCP; hỗ trợ 48 doanh nghiệp đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhất là các nhãn hiệu tập thể đối với các loại sản phẩm đặc thù của địa phương như thuỷ sản, táo, nho, tỏi, gốm, dệt thổ cẩm và 02 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài...

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị VinMart.

Hưởng ứng các hoạt động Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm nay, với chủ đề: “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững. Chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc Siêu thị VinMart Ninh Thuận chia sẻ: Đây là cơ hội để Siêu thị VinMart đóng góp sứ mệnh là nơi an tâm mua sắm cho mọi nhà, nhất là các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả sạch), thực phẩm chế biến sẵn, hóa mỹ phẩm và đồ dùng gia đình đang được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng lựa chọn. Đồng thời, cam kết các hoạt động bảo vệ QLNTD nhằm thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội trong việc tạo không gian mua sắm an toàn, phong cách mua sắm hiện đại, mang tới những sản phẩm minh bạch nguồn gốc, chất lượng đảm bảo với giá thành hợp lý, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của NTD.

Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, xác định công tác đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển lành mạnh gắn với bảo vệ QLNTD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2018. Theo đó, sở đã đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện như: Phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí, Phát thanh và Truyền hình tại địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ QLNTD; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ QLNTD, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trên địa bàn tỉnh; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác bảo vệ QLNTD nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; tăng cường công tác quản lý thị trường, trọng tâm là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ QLNTD; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm QLNTD theo quy định; vận động doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chương trình doanh nghiệp vì NTD, tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với NTD thông qua các hoạt động như: tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại cho NTD; đào tạo, tập huấn cho ban lãnh đạo, nhân viên và khách hàng của doanh nghiệp liên quan đến việc thực thi pháp luật bảo vệ QLNTD… qua đó, góp phần tạo thêm động lực phát triển, nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế cho doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế tỉnh nhà trong thời gian tới.