Xúc tiến thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao

(NTO) Với nguồn tài nguyên du lịch (DL) phong phú, đa dạng, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư khai thác lợi thế, tiềm năng đưa ngành DL phát triển, đúng hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010; Chương trình 134-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 8% GRDP của tỉnh và giải quyết 10% lao động xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xây dựng các chính sách ưu đãi, quan tâm để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào DL Ninh Thuận. Coi đây là yếu tố quan trọng để đưa DL Ninh Thuận không chỉ ở dạng tiềm năng mà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước trong giai đoạn tới. Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, việc áp dụng các cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh qua đó cơ sở hạ tầng KT-XH cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển DL được tăng cường. Thông qua tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng…hoạt động DL của tỉnh đã có bước khởi sắc, số lượng du khách tăng lên đáng kể; đã có nhiều dự án về DL được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện (hiện trên địa bàn tỉnh có 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực DL được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.300 tỷ đồng.Trong đó, có 17 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn 3.183,7 tỷ đồng; 13 dự án đang triển khai thi công; 18 dự án đang hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện thi công), tập trung phát triển ở dải ven biển của tỉnh, trong đó có một số dự án đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao trở lên theo tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động như khu nghỉ dưỡng cao cấp Núi Chúa-Amanơi, Phát Hoàng Long, Con Gà Vàng…, đặc biệt là siêu dự án du lịch Ecopark với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng đang được triển khai tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) đây là những tiền đề quan trọng, động lực mới để đẩy mạnh việc phát triển DL tỉnh nhà.

Du khách đi tàu đáy kính tham quan vịnh Vĩnh Hy. Ảnh Văn Nỷ.

Tuy nhiên, đánh giá chung thì DL của Ninh Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Tỷ lệ dự án DL hoàn thành đưa vào hoạt động còn thấp. Các chỉ tiêu chủ yếu về lượng khách và thu nhập mà ngành DL đạt được so với một số tỉnh lân cận có DL phát triển trong vùng vẫn còn có khoảng cách khá xa, tỷ trọng trong cơ cấu GDP toàn tỉnh còn thấp, dịch vụ DL còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực chưa tương xứng với vai trò, vị trí và nhiệm vụ của một ngành kinh tế quan trọng.

Với quan điểm phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này để đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh đã và đang cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư bằng nhiều biện pháp tích cực như đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá DL, in ấn phẩm như sách, ảnh, tập gấp, tờ rơi để tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, thế mạnh DL của địa phương; quảng bá DL Ninh Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, gặp gỡ các nhà đầu tư trong lĩnh vực DL, dịch vụ, tổ chức các sự kiện, hoạt động xúc tiến DL tại các hội chợ DL trong nước và quốc tế. Cùng với đó tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm DL. Đặc biệt, tích cực thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển các dự án, thương hiệu của các tập đoàn kinh tế mạnh, các dự án có sản phẩm DL chất lượng cao và độc đáo. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ DL, xây dựng các sản phẩm DL mới theo xu hướng phát triển của thị trường thế giới, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách DL.

Cảnh đẹp thiên nhiên biển Cà Ná là điểm dừng chân lý tưởng
của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.Ảnh: Văn Miên

Để thực hiện được mục tiêu trên, hiện nay tỉnh đang kiến nghị Chính phủ cho phép Ninh Thuận bổ sung các khu DL trọng điểm của tỉnh như Vĩnh Hy-Bình Tiên, Mũi Dinh-Cà Ná… vào quy hoạch các khu DL quốc gia để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm DL mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển DL của tỉnh. Trong năm 2018, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển DL khu DL quốc gia Ninh Chữ; quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000 các khu DL trọng điểm đã được xác định trong Chương trình 134-Ctr/TU, cụ thể: Khu DL quốc gia Ninh Chữ mở rộng đến Bình Tiên về hướng Bắc và Mũi Dinh-Cà Ná về hướng Nam; khu đô thị DL nghỉ dưỡng Đầm Nại với các loại hình DL sinh thái, hiện đại, kiểu mẫu; các điểm DL tại vườn quốc gia Phước Bình và Núi Chúa; khu DL đồi cát Mũi Dinh; khu DL sinh thái bảo tồn Rùa biển Thái An; khu DL sinh thái cao cấp, bến du thuyền vịnh Vĩnh Hy; khu DL sinh thái Thác Chapơr; Hồ Sông Sắt; khu DL kết hợp tắm khoáng Nhị Hà, hồ Tân Giang theo hình thức xã hội hóa, làm cơ sở thu hút các tập đoàn mạnh, chuyên nghiệp, tham gia đầu tư, phát triển DL.

Tập trung huy động các nguồn vốn đẩy nhanh đầu tư, cải thiện mạnh mẽ điều kiện hạ tầng giao thông nhất là tuyến đường vành đai, đường vào các khu DL... tạo kết nối cao giữa các khu DL dọc tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná với các trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, 27B..., kết nối các khu DL biển với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và các khu DL trọng điểm của cả nước; đồng thời đẩy nhanh đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật một số điểm DL trọng điểm của tỉnh, tạo điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách.

Với những ưu thế về tài nguyên DL, sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ, quan điểm cách nhìn mới trong xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực DL, tin rằng Ninh Thuận sẽ ngày càng trở thành điểm đến, hấp dẫn của các du khách cũng như những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.