Cùng bảo vệ Trái đất-nơi sinh sống của chúng ta

Từ 20h30-21h30 tối nay 24/3, cùng với các nước trên thế giới, tất cả các tỉnh, thành phố ở Việt Nam sẽ đồng loạt tắt đèn trong 1 tiếng đồng hồ hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018.

Trước đó, vào sáng 3/3, với thông điệp "Go More Green - Hôm nay tôi sống xanh hơn", Bộ Công Thương chính thức phát động chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018 - một sự kiện xã hội có quy mô lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên thế giới.

Chiến dịch Giờ Trái đất được tổ chức với mục đích vận động cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại Việt Nam, chiến dịch Giờ Trái đất bắt đầu vào năm 2009 chỉ với 6 tỉnh, thành phố tham gia. Sau 9 năm, sự kiện nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần bảo vệ Trái đất-nơi sinh sống của tất cả chúng ta.

Nhân chiến dịch hưởng ứng “Giờ Trái đất 2018”, truyền thông quốc tế vừa đưa tin về thực trạng đáng lo ngại: “Trái đất đang cạn kiệt động, thực vật và nước sạch với một tỷ lệ chóng mặt”, theo báo cáo khoa học của Liên Hợp Quốc.

Sudan - chú tê giác đực cuối cùng của loài tê giác trắng châu Phi - đã chết.
Như vậy trên thế giới chỉ còn lại 2 con tê giác trắng châu Phi, và chúng đều là cái. Nguồn: Tuổi trẻ

Đài VOA đưa tin, các nhà khoa học họp tại Colombia hôm 23/3 đưa ra báo cáo về tình trạng của động, thực vật tại châu Mỹ, châu Âu- Trung Á, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương.

Kết luận đưa ra sau 3 năm nghiên cứu: “Không nơi nào khả quan”.

Kết quả nghiên cứu cụ thể theo từng khu vực ở báo cáo trên cho thấy, tại châu Mỹ, nếu đà suy giảm hiện nay tiếp diễn, tới năm 2050, châu lục này sẽ mất đi 15% động, thực vật, nghĩa là mất gần một nửa (40%) so với những năm 1700.

Hiện ở châu Mỹ, cứ 4 loài động, thực vật được quan sát đầy đủ thì có 1 loài đang bị đe dọa.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu xu hướng hiện giờ vẫn tiếp diễn thì tới năm 2048, khu vực này sẽ không còn "trữ lượng cá khai thác được"; mất gần một nửa (45%) đa dạng sinh học và gần như mất sạch (90%) các loại san hô quan trọng.

Các nhà khoa học cũng cho biết ở khu vực này, tất cả các hệ sinh thái lớn đều đang bị đe dọa.

Với châu Âu và Trung Á, dù đây là khu vực xem như khá nhất, nhưng cũng có tới 28% các loài động-thực vật chỉ có ở châu Âu hiện đang bị đe dọa. Trong thập niên vừa qua, châu lục này bị sụt giảm 42% các loài động-thực vật.

Cũng tại khu vực này kể từ năm 1970 tới nay, các khu đầm lầy chỉ còn một nửa.

Tại châu Phi, tới năm 2100, một số loài chim và động vật có vú có thể sụt giảm chỉ còn một nửa. Hơn 60% dân số châu Phi sẽ phải phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để làm nguồn sinh kế.

Tính đến nay, hơn 20% các loài động, thực vật ở châu Phi đang bị đe dọa, có nguy cơ hoặc đã tuyệt chủng vĩnh viễn.

Các nhà khoa học cũng đưa ra những bằng chứng báo động mới nhất như cái chết của con tê giác trắng đực cuối cùng ở châu Phi (ngày 20/3), bên cạnh đó là thông tin về số lượng voi, hổ, tê tê… đều giảm đáng kể.

Nguyên nhân “mất đa dạng sinh học” được giới khoa học giải thích là: Khi thế giới giàu có và đông đúc hơn cũng đồng nghĩa với việc con người cần nhiều thức ăn, nước sạch, năng lượng, đất đai hơn. Vì vậy, cái cách mà xã hội loài người đang cố đạt được những điều đó đã làm xói mòn đa dạng sinh học.

Các nhà khoa học khuyến nghị trong khi chính phủ và xã hội cần phải thay đổi thì từng cá nhân có thể đóng góp vào việc bảo vệ Trái đất bằng cách tiết kiệm năng lượng, nước và giảm tiêu thụ thịt động vật.

Nguồn www.chinhphu.vn