Ngày Khí tượng thế giới năm 2018: Chủ động, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh

(NTO) Thời tiết, khí hậu và nước đều rất quan trọng đối với an sinh xã hội, sức khoẻ cộng đồng và an ninh lương thực. Nhưng chúng cũng có thể mang sức tàn phá đối với thiên nhiên. Các loại hình thời tiết cực đoan gây tác động lớn như lốc xoáy nhiệt đới, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, bão mùa đông…

Nhưng ngày nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến sự gia tăng cường độ và tần số của những sự kiện này. Do đó, “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu”- đây là chủ đề được chọn cho Ngày Khí tượng thế giới năm 2018.

Đánh giá mức độ thiệt hại do hạn hán và lũ lụt trong sản xuất và đời sống của người dân Ninh Thuận giai đoạn 2010-2015, cho thấy trong giai đoạn này tỉnh ta chịu thiệt hại nặng do hạn hán vào 3 năm, đó là năm 2010, 2014 và 2015. Mức độ thiệt hại lớn nhất vào năm 2015, với diện tích trồng trọt bị thiệt hại lên tới trên 3.000 ha. Trong giai đoạn 2010-2015 thì chỉ có 2 năm 2014 và 2015 hầu như không có hiện tượng lũ lụt vào mùa mưa. Các năm còn lại đều có lũ lụt xảy ra và tác động đến sản xuất vào đời sống của người dân trong tỉnh, nhưng mức độ thiệt hại lớn nhất chỉ xảy ra vào năm 2010.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã đưa ra các biện pháp chỉ đạo kịp thời khi yếu tố thời tiết cực đoan diễn ra nhằm thích ứng, giảm thiểu và đối phó với thiên tai. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị dự án nên hỗ trợ giải quyết hạn hán bằng cách: tăng cường đầu tư vào các giống cây trồng, vật nuôi chịu hạn; giới thiệu các mô hình tưới tiết kiệm nước; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân hướng tới mô hình sản xuất nông nghiệp tiết kiệm nước. Thông qua các mô hình CBG áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun sương), thu năng lượng mặt trời để bơm nước tưới cho mía, tỏi và măng tây xanh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Các kỹ thuật canh tác này góp phần vào nỗ lực chung của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề hạn hán nghiêm trọng tại địa phương. Kết quả sản xuất nông nghiệp (SXNN) của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng đạt 6,73%/năm, đạt kế hoạch đề ra 6-7%/năm. Trong đó ngành trồng trọt tăng 7,7%/năm, chăn nuôi đạt 2,67%/năm và thủy sản đạt 7,88%/năm.

Trên cơ sở phân tích các mức độ ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH tác động đến các mô hình SXNN trong ngành chính là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của Ninh Thuận trong giai đoạn 2018-2030 cho thấy, các tác động của BĐKH điển hình là 2 hiện tượng cực đoan bao gồm bão lũ ngập úng và nắng nóng khô hạn. Trên cơ sở đó, kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh các giải pháp chiến lược nhằm giảm thiểu các tác hại của BĐKH đối với SXNN như: Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, mặt nước thủy sản hiệu quả với sự xem xét đến tác động trước mắt và tác động tiềm tàng của BĐKH; khảo sát để xây dựng bộ bản đồ nhận dạng các tiểu vùng khí hậu trong toàn tỉnh để áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp nhằm đối phó và thích ứng với BĐKH của từng địa phương trong toàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến 2030; sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ mới, các giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp với BĐKH; xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ thích ứng với BĐKH của ngành Nông nghiệp. Cụ thể nghiên cứu chọn lựa bộ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất (thời vụ, phương thức làm đất tối thiểu, phương thức tưới nước...); hoàn thiện quy trình thu nước ngầm trong cát; ứng dụng kỹ thuật số trong điều khiển tự động hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa; ứng dụng thiết bị thu năng lượng tái sinh từ ánh nắng mặt trời, sức gió; nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào thực tế sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với BĐKH, phục vụ cho các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn có khả năng thích ứng với BĐKH và nước biển dâng như lúa lai, bắp lai có năng suất cao, sức chịu mặn cây ngắn ngày (mè, đậu, rau màu); các giống cây ăn trái như nho, táo, xoài, chuối, chôm chôm); cây thức ăn gia súc (cỏ trồng, bắp gieo dầy ...); nâng cao năng lực dự tính, dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan để các địa phương, cộng đồng chủ động ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực hoạt động nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để phổ biến, cập nhật, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ địa phương và cộng đồng dân cư về diễn biến, tác động, xu hướng mới trong ứng phó với BĐKH đến các lĩnh vực trong SXNN.