Thuận Nam: Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động

(NTO) Xác định công tác giải quyết việc làm (GQVL), xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, những năm qua, UBND huyện Thuận Nam đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tư vấn, đào tạo để nâng cao trình độ tay nghề giúp cho người lao động tự tin tham gia XKLĐ, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Thời gian qua, UBND huyện đã thực hiện tốt Chỉ thị 04-CT/TU ngày 13-11-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác GQVL-XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết BCH Huyện ủy Thuận Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GQVL-XKLĐ, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Trong năm 2017, trên địa bàn huyện đã GQVL cho 2.437/1.165 lao động nữ, đạt 103% chỉ tiêu. Trong đó, lao động ngoài tỉnh: 2.034/945 lao động nữ; lao động trong tỉnh 403/220 lao động nữ. Hầu hết tập trung lao động, làm việc ở các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Ngoài ra, huyện đã có 15 lao động XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, Ả-rập-Xê-út, Đài Loan (Trung Quốc) (trong đó, 3 lao động xuất khẩu sang Nhật Bản; 2 lao động xuất khẩu sang Đài Loan; 10 lao động xuất khẩu sang Ả-rập-Xê-út), đạt 100% chỉ tiêu huyện đề ra và đạt 150% chỉ tiêu tỉnh giao.

Người lao động huyện Thuận Nam được tư vấn đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với số lao động hiện nay chưa có việc làm ổn định, nguyên nhân chủ yếu do công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, công tác phối hợp chưa được chặt chẽ; tuyên truyền, vận động người dân chưa sâu; một số cơ chế, chính sách của chương trình XKLĐ vẫn còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, một số lao động vẫn còn tư tưởng ỷ lại về các chính sách giảm nghèo của Nhà nước; chất lượng nguồn lao động, nhất là trình độ ngoại ngữ, tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước; ý thức, tác phong công nghiệp, chấp hành kỷ luật lao động, pháp luật, phong tục tập quán nước sở tại còn thấp nên thiếu tự tin, còn tâm lý ngại xa gia đình…

Để đẩy mạnh XKLĐ trong thời gian tới, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 15-2-2018 về việc giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động năm 2018 cho UBND các xã; Kế hoạch số 47/KH-UBND về việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về công tác GQVL và XKLĐ năm 2018 với quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu. Vừa qua, UBND huyện tổ chức hội nghị chuyên đề về tư vấn GQVL, XKLĐ đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong đó ưu tiên cho lực lượng thanh niên, bộ đội xuất ngũ tại địa phương. Tại hội nghị này, đã có hơn 100 lao động địa phương đến tham gia, tìm hiểu và được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu một số chính sách về XKLĐ; Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn thủ tục thực hiện một số chính sách liên quan đến hỗ trợ lao động; đặc biệt được nghe các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Tràng An, Công ty TNHH thời trang In Hoa cung cấp nhiều thông tin hữu ích như: Về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động, mức lương thu nhập, chi phí xuất cảnh, điều kiện ăn, ở nơi làm việc, kế hoạch đào tạo, chính sách hỗ trợ của từng công ty, thị trường tuyển dụng lao động nước ngoài như Malaysia, Nhật Bản, Ả-Rập-Xê-Út, Đài Loan (Trung Quốc)… để người lao động an tâm, tin tưởng tham gia.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018, huyện Thuận Nam, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; tổ chức tư vấn, tạo nguồn lao động và thông tin mọi người hiểu đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia XKLĐ; làm tốt công tác điều tra thu thập thông tin cung-cầu lao động theo sự hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Mục tiêu sẽ định hướng, tư vấn và giới thiệu cho hơn 1.600 lao động trên địa bàn huyện có việc làm, trong đó XKLĐ 15 người. Ngoài ra, huyện đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh cần mở rộng đối tượng vay để người lao động khi tham gia XKLĐ được vay ngoài khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm; tăng cường kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không đủ điều kiện tư vấn tổ chức cho người lao động tham gia lao động ngoài nước; tiếp tục lựa chọn, giới thiệu công ty XKLĐ có uy tín, có thị trường thu nhập cao, ổn định, đa dạng hơn để người lao động có nhiều cơ hội tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho người lao động, qua đó đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.