Ninh phước: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(NTO) Có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, cũng với diện tích canh tác trên 15.300 ha; thời gian qua, bên cạnh tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như lúa, nho, táo…, huyện Ninh Phước còn thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Mục tiêu của huyện Ninh Phước phấn đấu đến năm 2020, đưa tổng diện tích chuyển đổi các loại cây trồng đạt khoảng trên 1.500 ha. Để đạt chỉ tiêu trên, địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch theo lộ trình từng năm. Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện rà soát, thống kê các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở quy hoạch quỹ đất và bố trí cây trồng phù hợp đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các phương pháp sản xuất mới, tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Nông dân Ninh Phước đầu tư phát triển diện tích trồng táo,
nâng cao thu nhập gia đình.

Phước Thái là một trong những xã đi đầu trong việc chuyển đổi từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Ông Nguyễn Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây ở một số vùng canh tác lúa thuộc thôn Hoài Ni, Đá Trắng thường xuyên thiếu nước nên trong sản xuất bà con luôn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã vận động người dân không sản xuất lúa mà chuyển sang trồng bắp và đậu xanh. Với ưu điểm tiết kiệm được nước tưới, không tốn công chăm sóc, những loại cây trồng này đang được người dân hưởng ứng tích cực. Từ vụ đầu tiên đem lại hiệu quả, đến nay bà con đã mở rộng diện tích trồng bắp lên 22,4 ha, năng suất đạt từ 5-6 tấn/ha; đậu xanh 40 ha, đạt 1,3 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp đôi so với trồng lúa.

Ngoài một số cây trồng ngắn ngày, trên địa bàn huyện cũng hình thành vùng chuyển đổi cây trồng mới như: Bưởi da xanh, mía, mỳ và dừa xiêm… với diện tích trên 10 ha, tập trung ở các xã: Phước Sơn, Phước Vinh, thị trấn Phước Dân, bước đầu mang giá trị kinh tế cho các nông hộ. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cây trồng, huyện Ninh Phước còn liên kết với Công ty TNHH Sản xuất hạt giống CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận và các hợp tác xã đẩy mạnh ký kết thông qua hoạt động đầu tư, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo cơ sở để nông dân yên tâm mở rộng diện tích chuyển đổi, nâng cao thu nhập. Ông Mang Viện, thôn Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh) chia sẻ: Giữa năm 2017, được cán bộ xã vận động, gia đình quyết định chuyển 1 ha đất trồng lúa sang trồng mía, được Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách chăm sóc và thu mua sau khi thu hoạch, nên không chỉ riêng tôi mà một số hộ tham gia trồng lân cận hết sức phấn khởi. Hiện nay mía trồng đang phát triển tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả nhất định. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện chuyển đổi từ đất lúa, diện tích gò đồi và vùng sản xuất xa công trình thủy lợi sang trồng bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi… gần 228 ha. Nhìn chung, các diện tích chuyển đổi đều mang lại hiệu quả, giúp nông dân địa phương giảm áp lực về nước tưới, hạn chế đáng kể tình trạng đất bỏ hoang. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện đạt hiệu quả và bền vững, theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Trong vụ hè-thu sắp tới, địa phương dự kiến chuyển đổi khoảng 155 ha. Bên cạnh tổ chức rà soát cụ thể từng vùng, địa điểm phù hợp với loại cây trồng theo nhu cầu của nông dân, huyện tiến hành thành lập Ban chỉ đạo, tổ tư vấn kỹ thuật để giúp đỡ các xã, thị trấn lựa chọn cây trồng có giá trị kinh tế đưa sản xuất; tiếp tục duy trì mối liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…, để nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập cho nông dân.