Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ tạo động lực để doanh nghiệp phát triển

(NTO) Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, có thể nói môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ta đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, tinh thần thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các sở, ngành, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển thuận lợi.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho DN phát triển

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả. Trong chuỗi thành tích đạt được, nổi lên là tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. Chỉ tính riêng trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành 53 quyết định công bố TTHC các cấp; công bố mới 902 TTHC mới ban hành theo quy định; đồng thời rà soát, đề nghị Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) bãi bỏ 509 TTHC không còn hiệu lực. Bên cạnh đó, tỉnh còn cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng xuống còn 15 ngày; rút ngắn thời gian kê khai thủ tục tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với DN xuống dưới 48 giờ (mục tiêu 49 giờ). Trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, kê khai thuế..., thời gian giải quyết được rút ngắn từ 15 – 30% so với quy định. Cụ thể, nếu trước đây thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký DN 3 ngày thì nay rút ngắn còn 2,32 ngày; thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư từ 35 ngày, nay xuống còn 30 ngày…

Công ty TNHH May Tiến Thuận đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: V.M

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 416 dịch vụ công đã triển khai cung cấp mức độ 3 và 4. Trong đó, lĩnh vực đăng ký DN có 100% thủ tục đạt tiêu chuẩn dịch vụ công mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng năm 2017 đạt 47,1%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (45,8%), góp phần giảm đáng kể thời gian, chi phí thực hiện TTHC lĩnh vực đăng ký DN. Về tài chính, tín dụng, trong năm 2017, tỉnh giải quyết thủ tục hoàn thuế cho 19 DN, với tổng số tiền 41,25 tỷ đồng; ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán các công trình hoàn thành với số tiền 102,769 tỷ đồng, góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho các DN xây lắp. Đến tháng 12-2017 có 1.155 DN vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ 6.350 tỷ đồng, tăng 20,3% dư nợ so với cuối năm 2016. Đồng thời, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa đang bảo lãnh cho 13 DN vay vốn tại các ngân hàng thương mại với số tiền bảo lãnh 46,499 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trong năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty CP Misa tặng miễn phí phần mềm kế toán cho 177 DN thành lập mới, nâng tổng số DN đã được hỗ trợ lên 239 DN, với tổng giá trị 705 triệu đồng, tạo điều kiện cho các DN khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra (không quá một lần/năm) và giao Thanh tra tỉnh làm đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN ngay từ đầu năm, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, hạn chế được các hiện tượng trùng lắp, chồng chéo, gây phiền hà cho DN.

Đồng hành tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho DN

Nhờ triển khai thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, đến nay hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều khởi sắc cả về phát triển số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính trong năm 2017, có 430 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 15.371 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần so với cùng kỳ; nâng tổng số DN trên địa bàn tỉnh đến nay lên 2.666 DN, tổng vốn đăng ký 39.725 tỷ đồng. Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm số DN đăng ký thành lập mới tăng từ 15-18% so với năm 2017.

Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải lắng nghe để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho DN, trọng tâm là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng giảm đầu mối thực hiện, giảm thủ tục giải quyết, giảm thời gian chờ đợi của DN, nhà đầu tư; thực hiện tốt công tác phối hợp trong giải phóng mặt bằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường... Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị để thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của DN. Tiếp tục duy trì hoạt động Chuyên mục hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận; tổ chức gặp mặt DN định kỳ hằng tháng để trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, nghe các DN, nhà đầu tư phản ánh, hiến kế, kiến nghị các vấn đề khó khăn, vướng mắc, qua đó có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời cho DN theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài những giải pháp kể trên, tỉnh còn hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học-công nghệ..., đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Đẩy mạnh quán triệt tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đến cấp xã, phường và các bộ phận nơi DN thường xuyên tiếp xúc, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của từng cán bộ, công chức tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu; đồng thời tạo lập hệ thống kết nối thông tin giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội để kết nối các thủ tục, rút ngắn thời gian cho DN, tạo điều kiện để DN mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.