Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2018

(NTO) Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh ban hành Chương trình trọng tâm công tác năm 2018, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gồm những nội dung như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai sâu kỹ, thực hiện đúng các luật, bộ luật về lĩnh vực tư pháp gồm: Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Triển khai thi hành các Luật: Trợ giúp pháp lý; Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản pháp luật liên quan đền hoạt động tư pháp.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 6-1-2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 9-1-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các cơ quan tư pháp.

Ba là, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đúng tiến độ, có kết quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU của Tỉnh ủy về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với cải cách hành chính, phân định thẩm quyền quản lý hành chính của Thủ trưởng cơ quan với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp của cán bộ được giao nhiệm vụ.

Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Năm là, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm. Nâng cao chất lượng phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm hình sự; chú trọng công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Phối hợp làm tốt công tác lựa chọn, giải quyết án điểm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng xét xử tại các phiên toà hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động theo tinh thần cải cách tư pháp. Tổ chức xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án dư luận xã hội quan tâm, nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Sáu là, triển khai Đề án thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2022 và định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025; Đề án Kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực hoạt động giám định tư pháp trên điạ bàn tỉnh đến năm 2020. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, ổn định công tác các phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Quan tâm chỉ đạo công tác hòa giải cơ sở, giải quyết tốt những tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân ngay từ khi mới nảy sinh, nhằm giảm tải các vụ việc cho các cơ quan tư pháp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 25-12-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Đề án Đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công  chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Bảy là, tổ chức kiểm tra kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác bắt giam giữ, xử lý tội phạm và thực hiện chính sách pháp luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của cấp ủy các địa phương, các ngành.

Tám là, nâng cao chất lượng công tác giám sát trực tiếp giữa hai kỳ họp HĐND các cấp về hoạt động tư pháp; HĐND tỉnh tăng cường các cuộc giám sát chuyên đề về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động tư pháp.

Chín là, nghiên cứu cụ thể hóa thực hiện Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo.

Mười là, tập trung thực hiện tốt chương trình phối hợp và tăng lượng tin, bài tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Tăng cường phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Truyền hình trực tuyến phiên tòa theo chủ trương của Tòa án nhân dân tối cao.