Đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại

(NTO) Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2016- 2021 đang được ngành chức năng, các địa phương triển khai sâu rộng, với kỳ vọng tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Đây cũng là “cú hích” để doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tin tưởng, mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Năm 2018, ngành Nông nghiệp đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển 14 cánh đồng lớn, với diện tích 1.424,6 ha được chú trọng. Quyết tâm thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp là điểm mới trong điều hành, lãnh đạo để tiến tới đạt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản. Niềm tin càng được củng cố hơn khi ngay đầu quý I nông dân sớm nhận được hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để triển khai 9 cánh đồng lớn trong vụ Đông - Xuân 2018. Đến nay, nhiệm vụ nhân rộng cánh đồng lớn theo Kế hoạch số 4729/KH-UBND ngày 13-11-2017 của UBND tỉnh đã thành công bước đầu, tạo hứng khởi cho phong trào sản xuất theo mô hình mới lan rộng ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đầu tư mở rộng sản xuất trồng và chế biến
cây măng tây xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M

Khai thông “điểm nghẽn” trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng là nhiệm vụ ngành Nông nghiệp, các địa phương tập trung giải quyết trong năm 2018. Hiện tại, Viện Khoa học và Thủy lợi Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đang triển khai Dự án nghiên cứu và áp dụng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch và phát khí thải nhà kính; Dự án trồng dược liệu là tín hiệu đáng mừng cho trào lưu đầu tư mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến và nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh ta chưa nhiều. Nguyên nhân chính được xác định là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trước đây chưa đủ mạnh để khơi dậy, phát huy lợi thế các ngành, hàng có tính đặc thù. Bước sang năm 2018, tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017- 2018 kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Với chính sách hỗ trợ chuyển giao giống mới, kỳ vọng tạo đột phá
trong nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản.

Các cơ chế, chính sách mới được ban hành nội dung hỗ trợ mở rộng ở 4 lĩnh vực, tháo gỡ những vướng mắc cho quá trình thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy. Cụ thể, ưu tiên hỗ trợ nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước ở những vùng sản xuất tập trung, cây trồng chủ lực của tỉnh; hỗ trợ chuyển đổi những khu vực trồng lúa nước kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như nho, táo, măng tây xanh; hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Tác động tích cực từ cơ chế, chính sách, nông nghiệp năm 2018 kỳ vọng thay đổi mạnh mẽ về hình thức tổ chức sản xuất từ nhỏ, lẻ sang tập trung với các loại cây trồng đặc thù; lực lượng doanh nghiệp cũng tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp hơn trước và đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2018, dự đoán những thách thức về biến đổi khí hậu, cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường sẽ khắt khe hơn, do đó ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp là định hướng đúng. Các thành phần kinh tế có thể an tâm nhận ưu đãi khi vào đầu tư ở các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nhất là vùng nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha ở xã Xuân Hải (Ninh Hải).

“Điểm nghẽn” của nông nghiệp trước đây là chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm thấp, do đó năm nay tỉnh tập trung hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp năng cao năng lực hoạt động nhằm mang lại lợi ích nhiều nhất cho các thành viên. Cùng với đó, để tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, phát triển các chuỗi nông sản có giá trị kinh tế và lợi thế cạnh tranh để phát triển. Mọi điều kiện để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đã sẵn sàng và tất cả chúng ta đều kỳ vọng, tin tưởng vào thành công.