Nông và ngư dân các địa phương khẩn trương bước vào sản xuất

(NTO) Sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền, từ sáng Mùng 6 Tết, nông dân các địa phương trong tỉnh khẩn trương ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông –xuân, ước vọng có một vụ mùa bội thu.

Nông dân huyện Thuận Bắc ra quân sản xuất đầu năm. Ảnh Minh Khai.

► Trên những cánh đồng lúa trải dài mênh mông của huyện Thuận Bắc, nhiều nông dân tranh thủ ra đồng cấy, dặm lúa, nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc cây lúa phát triển tốt. Vụ đông- xuân năm nay, toàn huyện gieo trồng 26.037 ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa 17.053 ha. Anh Nguyễn Thành Trung, thôn Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong), cho biết : Vụ đông-xuân năm nay, tôi làm 3 ha lúa, sau những ngày nghỉ Tết, hôm nay tranh thủ ra đồng phun thuốc diệt cỏ trên cây lúa. Vì thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển khá tốt, đến nay lúa chuẩn bị làm đòng. Ngoài ra, trên những cánh đồng lúa các xã: Công Hải, Lợi Hải...nông dân đều tấp nập ra đồng chăm sóc cây trồng, chăn thả đàn gia súc ngay sau khi nghỉ Tết.

Nông dân huyện Ninh Sơn chăm sóc cây trồng. Ảnh Lê Thi.

► Sáng Mùng 6 Tết, thời tiết đầu xuân nắng đẹp, có mặt từ rất sớm trên những cánh đồng lúa chạy dài ở xã Lương Sơn, Lâm Sơn (Ninh Sơn), chúng tôi cảm nhận không khí lao động sản xuất của bà con nông dân rất nhộn nhịp và tất bật. Chị Lương Thị Ý, xã Lương Sơn chia sẻ: Trong một năm, vụ đông-xuân là vụ lúa mà gia đình tôi mong đợi nhất vì năng suất cao hơn các vụ khác do đó dù có vui Xuân, đón Tết, tôi vẫn không quên ra thăm đồng để theo dõi tình trạng phát triển của cây lúa. Bên ruộng lúa đã bén rễ xanh non của chị Ý, ông Lưu Văn Trọng, thoăn thoắt đôi tay nhặt cỏ dại trên ruộng bắp. Ông Trọng cho biết: Đầu năm, thời tiết khá thuận lợi nên cây bắp lai phát triển khá tốt, giờ chỉ còn việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt là mình có thể có một vụ mùa bội thu. Cùng chung khí thế phấn khởi trước mùa Xuân mới, trên các cánh đồng trồng mía, mỳ ở xã Quảng Sơn và Hòa Sơn, nông dân cũng khẩn trương ra đồng sản xuất trong tâm trạng vui mừng. Bởi cách đây 2 tháng, bà con trồng mỳ của địa phương được mùa, được giá nên Tết này, nhiều hộ có cái Tết sung túc, đủ đầy. Càng có động lực, bà con đã tích cực xuống giống và chăm sóc cây mỳ từ những ngày đầu Xuân. Bên cạnh đó, hiện nay, số lượng lớn diện tích mía ở địa phương cũng đang vào vụ thu hoạch, tuy chỉ mới Mùng 6 Tết, nhưng không khí lao động của nông dân địa phương rất khẩn trương để thu hoạch cây mía đúng vụ.

Nông dân huyện Thuận Nam ra đồng chăm sóc lúa đầu năm. Ảnh Hồng Lâm

► Ngay những ngày đầu xuân, trên những cánh đồng các xã Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà (Thuận Nam) không khí lao động sản xuất hết sức nhộn nhịp. Anh Lê Thanh Vinh (thôn Nho Lâm, xã Phước Nam) vui vẻ: Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nên gần 3,5 sào lúa của gia đình phát triển tốt. Tranh thủ nghỉ Tết xong, tôi ra đồng để theo nước, bón phân cho cây lúa. Ngoài ra trong dịp Tết, 1 sào táo của gia đình cũng vừa thu hoạch xong, giá bán cũng cao nên gia đình có điều kiện đón Tết tươm tất hơn…

Ngư dân Thuận Nam xuất hành đầu năm khai thác được nhiều cá cơm. Ảnh Văn Nỷ.

► Tại các vùng biển, sau Lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày Mùng 3 Tết, ngư dân ở các xã Phước Diêm, Cà Ná cũng đồng loạt vươn khơi với kỳ vọng năm mới bội thu hải sản. Ban Quản lý Cảng cá Cà Ná đã bố trí lực lượng sẵn sàng hỗ trợ tàu thuyền ra vào cảng; các phương tiện vận chuyển hàng hóa được sắp xếp trật tự, đảm bảo lưu thông thuận lợi. Có mặt tại bờ kè thuộc xã Phước Diêm (Thuận Nam) vào sáng Mùng 6 Tết, chứng kiến niềm vui, phấn khởi của ngư dân địa phương được mùa cá ngay những ngày đầu xuân, không khí vận chuyển, mua bán hải sản diễn ra tất bật. Các tiểu thương thu mua hải sản rất nhanh để kịp chuyển hàng đi các nơi tiêu thụ. Ông Trần Dư, ở Lạc Tân 2, (Phước Diêm) phấn khởi: Ngày hôm qua xuất hành chuyến biển đầu xuân khai thác được gần 1 tạ mực các loại, thu hơn 12 triệu đồng, với giá mực nhỏ 60-100 ngàn đồng/kg, mực trung giá 130-150 ngàn đồng/kg, mực lá giá 270-290 ngàn đồng/kg. Riêng các tàu thuyền công suất lớn xuất hành chiều Mùng 3 Tết, khai thác được 200-300 giỏ cá cơm/tàu (khoảng 18 kg/giỏ), với giá thu mua từ 220-250 ngàn đồng/giỏ để hấp; khoảng 150-170 ngàn đồng/giỏ dùng để muối mắm các chủ thuyền rất phấn khởi…