Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019

(NTO) Theo kế hoạch, 11 quốc gia, gồm Australia (Ôx-trây-li-a), Brunei (Bru-nây), Canada (Ca-na-đa), Chile (Chi-lê), Nhật Bản, Malaysia, Mexico (Mê-hi-cô), New Zealand (Niu Di-lân), Peru (Pê-ru), Singapore (Xinh-ga-po) và Việt Nam - sẽ ký Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 8-3 tới tại Chile, để hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Ước tính, CPTPP sẽ giảm thuế quan tại 11 nền kinh tế thành viên - chiếm tới hơn 13% Tổng GDP của thế giới. Nếu Mỹ tham gia CPTPP thì 12 nước tham gia hiệp định sẽ chiếm tới 40% GDP của thế giới.

Trước đó, ngày 21-2, toàn văn CPTPP đã được công bố, một tín hiệu cho thấy 11 nền kinh tế thành viên sẵn sàng đặt bút ký vào ngày 8/3 tới. Theo hãng tin Reuters, hơn 20 điều khoản đã bị đình hoãn hoặc thay đổi trong CPTPP so với "thỏa thuận tiền thân" là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này hồi đầu năm ngoái.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada François- Philippe Champagne đã ra tuyên bố hoan nghênh việc công bố toàn văn CPTPP. Bộ trưởng Champagne cho biết CPTPP sẽ tăng cường hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu bằng cách thu hút các khoản đầu tư tạo việc làm mới và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Canada tới những thị trường quy mô lớn đang phát triển nhanh. Thông qua CPTPP, Canada sẽ có quyền tiếp cận ưu đãi với gần nửa tỷ người tiêu dùng ở một trong những thị trường phát triển năng động nhất trên thế giới.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho rằng CPTPP đang trở nên ngày một quan trọng trong bối cảnh đang có nhiều phản đối đối với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Parker cũng cho biết "khó có khả năng" Mỹ sẽ trở lại hiệp định này và CPTPP có thể sẽ có hiệu lực vào nửa đầu năm 2019.

Trong khi Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nhận định CPTPP sẽ giúp tạo ra thêm việc làm tại Australia trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, sản xuất, khai khoáng tới dịch vụ.

Giáo sư về luật Kimberlee Weatherall của Đại học Sydney nhận định “những thay đổi lớn của CPTPP so với thỏa thuận TPP là sự tạm hoãn nhiều điều khoản, trong đó có các điều khoản gây tranh cải, nhất là liên quan tới lĩnh vực dược phẩm”.

Theo giới chuyên gia, Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương vừa là một đối sách kinh tế cân bằng ảnh hưởng đang đi lên của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc, vừa là “toa thuốc” đối với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Năm 2016, trao đổi thương mại giữa 11 nước tham gia CPTPP lên đến 356 tỷ USD.

Trong khi đó, một thông tin đáng chú ý là báo Washington Post ngày 21-2 cho biết, 25 thượng nghị sỹ Mỹ cùng ký tên vào một bức thư gửi cho Tổng thống Donald Trump với lời kêu gọi ông “suy nghĩ lại” để đưa Mỹ tái hội nhập CPTPP.

Tổng thống Donald Trump đã cho hay sẽ cân nhắc lại CPTPP nếu Mỹ đạt được một “hiệp định tốt hơn” song các thành viên CPTPP, đứng đầu là Nhật Bản, cho là “khó xảy ra trong ngắn hạn”.