Ninh Phước khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

(NTO) Huyện Ninh Phước có đông đồng bào Chăm sinh sống còn gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc về đền tháp, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, tập quán sinh hoạt làng, xã. Đồi cát Nam Cương, trang trại nho Ba Mọi cũng đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn. UBND huyện Ninh Phước triển khai chương trình mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai.

Ninh Phước hiện có 10.430 hộ đồng bào Chăm, với trên 48.000 người sinh sống tập trung ở 20 khu dân cư thuộc 7 xã, thị trấn, chiếm khoảng 30% dân số trên địa bàn huyện. Đồng bào Chăm địa phương gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống được thể hiện đậm nét qua Lễ hội Katê hằng năm. Đây là dịp thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu lễ hội độc đáo của đồng bào Chăm. Riêng địa bàn huyện Ninh Phước, Lễ hội Katê diễn ra tại tháp Pôrômê và đền Pô Inư Nưgar thuộc xã Phước Hữu với chương trình dân ca, dân vũ đặc sắc do các nghệ nhân Chăm biểu diễn. Từ giữa năm 2017 đến nay, Lễ hội Katê và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tạo động lực đưa ngành du lịch địa phương ngày càng khởi sắc. Năm 2017 vừa qua, huyện Ninh Phước thu hút trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan, tăng 23 ngàn lượt so với năm 2016; doanh thu dịch vụ- du lịch đạt trên 1.872 triệu đồng. Mục tiêu của huyện Ninh Phước trong năm 2018 phấn đấu thu hút 150 ngàn lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt khoảng 2.115 triệu đồng.

Du khách tham quan làng gốm truyền thống Bàu Trúc.

Đến với các làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân), chúng tôi gặp các nghệ nhân chuẩn bị sản phẩm phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Làng Bàu Trúc hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương. Trong đó có 1 HTX và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động có thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nhà trưng bày sản phẩm làng nghề được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc ngày càng được nhiều du khách và người tiêu dùng trong cả nước ưa thích. Gặp lại anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, anh phấn khởi: “Trong năm 2017, HTX đã đón trên 12.600 lượt khách đến tham quan, mua sắm hàng hóa, doanh thu trên 1 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2016. HTX có 25 lao động chế tác gốm thu nhập trung bình 3-6 triệu đồng/người/tháng. Đội ngũ cán bộ quản lý và các hộ thành viên HTX đang tập trung phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm gốm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. HTX vừa ký kết hợp đồng cung cấp 325 sản phẩm gốm Chăm trang trí cho khu du lịch Eurowindow Nha Trang, trị giá trên 560 triệu đồng. HTX nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gốm Chăm của thị trường và thu hút du khách đến tham quan làng nghề”.

Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho rằng, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hiện có 1 HTX, 22 cơ sở dệt, 500 hộ gắn bó với nghề truyền thống doanh thu hơn 15 tỷ đồng/năm, thu nhập lao động bình quân 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Làng dệt thổ cẩm đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm dệt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. HTX quyết tâm đầu tư khôi phục hoa văn thổ cẩm cổ kết hợp với cải tiến màu sắc, chất liệu dệt vừa giữ nét riêng của làng nghề truyền thống Chăm, vừa phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư phát triển làng nghề theo hướng gắn với phát triển du lịch, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các nghệ nhân gắn bó với nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Ngoài các làng nghề, đền tháp, lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm, huyện Ninh Phước còn có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch sinh thái cánh đồng lớn vườn nho Phước Thuận, với diện tích 100 ha; tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tham quan đồng cừu thôn Hậu Sanh gắn với khám phá di tích tháp Pôrômê, thưởng ngoạn vui chơi thể thao trên đồi cát Nam Cương. Ninh Phước có hai dự án kêu gọi đầu tư là khu du lịch thể thao đồi cát Nam Cương diện tích khoảng 150 ha, vốn đầu tư dự kiến 700 tỷ đồng; khu du lịch làng văn hóa Chăm Mỹ Nghiệp diện tích khoảng 25 ha, xây dựng bằng nguồn vốn trong nước. Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, Ninh Phước thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các tour, tuyến du lịch trọng điểm: Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc- cơ sở sản xuất gốm- đền Pôklong Chanh- tháp Pôrômê- đền Pô Inư Nưgar; nhà trưng bày dệt Mỹ Nghiệp- các cơ sở dệt- đền Pô Ly Yak, Cut- bãi đá Kazan- ao sen; vùng sản xuất măng tây xanh An Hải- đồi cát Nam Cương- vườn nho Ba Mọi- trang trại chăn nuôi dê cừu Phước Vinh- hồ Lanh Ra…

Ông Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Trong những năm gần đây, ngành du lịch tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Ninh Phước triển khai đưa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị vào thực tiễn cuộc sống, quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cấp ủy và chính quyền địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, có tính xã hội hóa cao, tạo động lực cho ngành nghề khác phát triển theo hướng bền vững. Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác thế mạnh về du lịch văn hóa Chăm gắn với làng nghề truyền thống và khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Toàn huyện chung tay xây dựng Ninh Phước trở thành điểm đến văn minh, thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; nâng cao toàn diện đời sống nhân dân địa phương”.