Cầu Gãy mùa xuân về

(NTO) Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp thăm lại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ năm xưa để cùng cảm nhận không khí đón Tết và chia sẻ niềm vui về sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Raglai nơi đây.

43 năm sau ngày giải phóng, nhân dân thôn Cầu Gãy trải qua 2 lần dời thôn. Từ núi cao, đồng bào xuống gần hơn với vùng đồng bằng, dần làm quen với cuộc sống mới với nhiều sinh hoạt tiến bộ và văn minh. Ông Cao Văn Đen, Bí thư Chi bộ thôn Cầu Gãy cho biết: Toàn thôn hiện có 82 hộ, với 302 nhân khẩu đều là đồng bào Raglai. Trước đây, do thiếu hiểu biết, người dân thường vào rừng lấy gỗ, săn bắn động vật trái phép để mưu sinh, nhưng nay, nhờ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên tình trạng này đã chấm dứt. Thay vào đó, họ đã biết tham gia vào các tổ tuần tra, quản lý và bảo vệ rừng. Đời sống người dân dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp, với 5,6 ha lúa nước và khoảng 15 ha đất trồng cây điều. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay: 100% hộ gia đình đều có nhà ở đảm bảo, có nước sạch để dùng; đường làng ngõ xóm cơ bản được bê tông hóa. Trong dịp đón Tết năm nay, trong thôn có 4 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở và họ đang vui mừng, khẩn trương hoàn thành để kịp đón Tết. Đặc biệt, sau 20 năm ổn định cuộc sống, thế hệ công dân đầu tiên của ngôi làng mới nay đã trưởng thành. Nhiều em học hết chương trình THPT. Ngày trước, khi còn ở trên núi cao, con em trong thôn không có điều kiện học hành. Nhờ những thầy giáo quân hàm xanh Đồn Biên phòng Vĩnh Hy, số ít người dân may mắn được học chữ để biết đọc, biết viết; số còn lại thì không. Từ khi về làng mới, có trường lớp, các thế hệ con em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi. Đó là nền tảng quan trọng để nâng cao dân trí tại vùng căn cứ cách mạng này.

Trong phát triển kinh tế, điều đáng mừng là từ khi có chương trình cho vay vốn của Nhà nước, vài năm trở lại đây, trong thôn đã có 10 hộ đầu tư chăn nuôi dê với quy mô đàn từ 5 đến 10 con.. Thông qua các lớp tập huấn và chỉ dẫn của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Họ chú trọng việc bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu, bệnh. Đến nay, người dân đã thuần thục phương pháp canh tác lúa nước, giúp năng suất lúa bình quân đạt 5,5 tạ/ sào. Ông Đen cho biết thêm: Năm 2018, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi 1,2 ha đất trồng lúa nước 1 vụ sang sản xuất hoa màu để phục vụ nhu cầu nhân dân trong thôn; đồng thời đưa cây bưởi da xanh về trồng thử nghiệm tại địa phương nhằm tìm hướng đi mới phù hợp, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đó cũng chính là ước vọng của nhân dân thôn Cầu Gãy trong dịp Tết đến, Xuân về.

Chuẩn bị đón mùa xuân mới, nhiều gia đình ở thôn Cầu Gãy đang trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị nếp, đậu xanh để gói bánh tét. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, người dân thôn Cầu Gãy vinh dự đón nhận danh hiệu thôn Văn hóa. Đó không chỉ là niềm vui đầu xuân năm mới của nhân dân Cầu Gãy nói riêng mà còn là niềm tự hào của đồng bào Raglai tỉnh ta nói chung trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.