Nguyên nhân ASEAN muốn thúc đẩy COC

Trong khi Singapore đang nỗ lực thuyết phục các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) trong năm nay nhằm xử lý các va chạm ngoài ý muốn trên vùng trời ở Biển Đông, Trung Quốc đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc diễn tập không quân trên khu vực này.

Ngày 7-2, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bày tỏ hy vọng các nước ASEAN có thể tiến hành các cuộc đàm phán tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết xây dựng quân đội sẵn sàng chiến đấu với việc tiến hành đều đặn hơn các cuộc diễn tập trên không, trên biển và trên bộ. Một COC để xử lý các va chạm ngoài ý muốn trên vùng biển thuộc Biển Đông được ký giữa ASEAN và Bắc Kinh hồi tháng 2 năm ngoái. Ngoài ra, cần tới một bộ quy tắc tương tự có thể giảm thiểu nguy cơ tính toán nhầm và tai nạn, cũng như cung cấp các biện pháp giảm thiểu leo thang cần thiết để xử lý các vụ va chạm không quân trong khu vực.

Dưới đây là một số hoạt động trên không chính của Trung Quốc ở Biển Đông:

Tháng 2-2018

Ngày 7-2, không quân Trung Quốc cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã bay trên vùng trời Biển Đông. Các bức ảnh trên trang Weibo chính thức của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho thấy các máy bay Su-35 đang tiến hành “tuần tra tác chiến” trong khu vực. Không rõ địa điểm diễn ra cuộc diễn tập song PLA cho biết, cuộc diễn tập nằm trong chương trình huấn luyện “biển khơi” của không quân. Theo giới phân tích, các cuộc diễn tập quân sự gia tăng của Bắc Kinh chứng tỏ Trung Quốc đại lục đang chuẩn bị tấn công Đài Loan.

Tháng 2-2017

Tờ Navy Times đưa tin, một máy bay quân sự Trung Quốc và một máy bay quân sự Mỹ đã “tình cờ” bay sát nhau gần bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham) tranh chấp hôm 11-2 năm ngoái, mà theo các quan chức của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đây là một sự cố “vô cùng hiếm hoi” và “không an toàn”. Hai máy bay này, gồm máy bay P-3 của Hải quân Mỹ và máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc, đã bay cách nhau chỉ 305m trên không phận quốc tế ở Biển Đông. Tờ này cho rằng máy bay Mỹ đã phải chuyển hướng để tránh va chạm. Trong khi đó, tờ Global Times dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên của Trung Quốc cho biết máy bay Mỹ “đã tiếp cận gần” với máy bay Trung Quốc, vốn đang thực hiện sứ mệnh thường lệ, và phi công Trung Quốc đã “tiến hành các biện pháp hợp pháp và chuyên nghiệp” để xử lý tình hình.

Tháng 4-2001

Một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã chặn một máy bay EP-3 của Mỹ dẫn tới một vụ va chạm trên không, khiến phi công Wang Wei thiệt mạng và buộc máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp tại tỉnh Hải Nam hồi tháng 4-2001. Vụ va chạm xảy ra cách đảo Hải Nam trên Biển Đông khoảng 80 km về phía Đông Nam. Máy bay Mỹ, cất cánh từ căn cứ không quân của nước này tại Okinawa (Nhật Bản), đã hạ cánh xuống đảo Hải Nam, còn máy bay Trung Quốc bị rơi xuống biển. Trung Quốc đã giam giữ 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ trong 11 ngày sau vụ va chạm này. Máy bay Mỹ bị giữ lại ở Hải Nam trong vòng 3 tháng, sau đó được trả lại căn cứ Mỹ. Vụ việc đã gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.