Nghề đánh bóng lư đồng trong dịp Tết

(NTO) Trong những ngày giáp Tết, nhà nhà tất bật lo dọn dẹp, trang trí lại bàn thờ gia tiên đón chào xuân mới. Nắm bắt nhu cầu này, ngay từ giữa tháng Chạp, những người thợ đánh bóng lư đồng lại bắt tay vào nghề.

Dạo quanh những con đường trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm không khó bắt gặp những biển hiệu “nhận đánh bóng lư đồng, chân đèn” thật đông khách... Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Nguyễn Như, khu phố 2, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Vào dịp cao điểm trước Tết, mỗi ngày tôi nhận khoảng 15-20 bộ lư và phải làm việc cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng. Để đánh xong mỗi bộ lư mất khoảng 1- 2 giờ, tùy theo kích cỡ loại lư mà tiền công khác nhau, thường dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/bộ. Lư đồng có rất nhiều loại như: lư tròn, lư vuông, lư chữ nhật, lư trúc… Trong đó, dễ nhất là lư tròn, khó đánh bóng nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ với những chi tiết nhỏ. Mặc dù chỉ mới vào nghề khoảng 3 năm nay nhưng mỗi ngày, anh Nguyễn Đình Linh, khu phố 3, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cũng nhận từ 5-6 bộ lư đồng. Bình quân mỗi dịp Tết, anh nhận đánh khoảng 50 bộ lư đồng các loại. Theo anh Linh tuy chỉ là nghề tay trái nhưng vào dịp này cũng giúp anh có thêm khoản tiền không nhỏ để sắm sửa, chuẩn bị Tết cho gia đình.

Đánh lư đồng là nghề thời vụ trong dịp Tết với đồ nghề khá gọn, chỉ cần 1 mô-tơ gắn bố quanh trục, bột phấn và cục lơ là có thể hành nghề. Sau khi khởi động mô-tơ, người thợ đưa vào cuộn vải đang quay tít một cục lơ màu xanh. Những đôi bàn tay cầm thật chặt những mảnh đồng, ấn thật mạnh vào cuộn vải đang quay để tạo nên sự cọ sát mạnh, giúp bề mặt lư đồng vàng óng ả. Khi đánh bóng xong, những mảnh đồng được chùi lại thật kỹ bằng một tấm vải khô. Sau đó, được phết lên một lớp hoá chất nhằm giữ cho màu sắc lư đồng luôn được sáng và vàng óng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ mài giũa, lau chùi cẩn thận bởi những chiếc quai phượng, mũ chụp hình rồng trên nắp lư đồng rất dễ gãy. Khi đánh, người thợ phải điều khiển đôi tay thật nhịp nhàng đưa lên đưa xuống theo từng vòng quay của mô tơ để tránh làm lư đồng biến dạng. Ở các khe, rãnh, hoa văn phải đánh thật cẩn thận để đảm bảo độ sáng đồng đều. Có như vậy mới “giữ chân” được khách hàng.

Dưới bàn tay điệu nghệ, thoăn thoắt của người thợ những mảnh đồng phủ màu cũ kỹ như khoác lên bộ áo mới đón chào mùa xuân. Trong dịp Tết đến, Xuân về, việc làm mới những bộ lư đồng để bày trên bàn thờ chính là nhu cầu tâm linh thiết yếu của mỗi người dân Việt.