Lập hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới:

Ứng cử viên nặng ký

Một tin vui đến trong những ngày đầu năm mới: các chuyên gia của UNESCO sau khi "mục sở thị" Thành nhà Hồ, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã đánh giá rất cao những giá trị có một không hai của di sản. Như vậy, sau Cố đô Huế và Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ đang là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Di sản văn hóa thế giới.

Những giá trị có một không hai

Thành nhà Hồ từ lâu đã là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất xứ Thanh, song không phải ai cũng hiểu được giá trị độc đáo của nó. Ông Nguyễn Xuân Toán, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho hay: Thành nhà Hồ, hay còn gọi là Thành Tây Đô (để phân biệt với Đông Đô ở Thăng Long) được vua Hồ Quý Ly xây dựng vào năm Đinh Sửu (1397). Theo sử sách thì tòa thành có một không hai này được xây dựng trong thời gian 3 tháng, giữ vai trò kinh đô của nước Đại Ngu những năm đầu thế kỷ XV (1400 - 1407). Đây là giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Về mặt kiến trúc, Thành nhà Hồ được xây dựng gần giống thành Đại La và Hoàng thành với khối hình vuông, hai mặt Nam - Bắc dài hơn 900m, Đông - Tây dài hơn 700m, tường thành cao trung bình từ 7-8m, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu, rộng từ 20-40m, có hệ thống 4 cửa thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía Nam lớn nhất với chiều rộng tới 38m, cao 10m cùng 3 mái vòm lớn. Tuy nhiên, nét độc đáo của Thành nhà Hồ nằm ở chỗ nó được xây cất từ những khối đá tảng cực lớn, gọt đẽo vuông vức rồi ghép lại với nhau. Ở nhiều đoạn tường thành có những khối đá tảng rất lớn, dài khoảng 7m với khối lượng khoảng 20 tấn mỗi khối. Hiện Thành nhà Hồ là một trong số ít các di tích kinh thành còn lại trên thế giới còn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc.

 
Một góc Thành nhà Hồ.

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam sau chuyến thực địa tại Thành nhà Hồ cuối tháng 1 vừa qua đã phải thốt lên: "Thật không thể tin nổi, Thành nhà Hồ được xây dựng bằng cách gắn những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều bí ẩn của Thành nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu".

Với những giá trị độc đáo đó, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hồ sơ đề cử Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới được lập theo các tiêu chí (ii), (iii) và (iv) của Công ước Di sản thế giới năm 2008. Đó là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa Á Đông; là bằng chứng nổi bật của quyền lực chế độ quân chủ Việt Nam cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV và được các triều đại sau tiếp nối, phát triển rực rỡ; là một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự…

Nỗ lực bảo vệ di sản

Ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo số 1595/TTg - KGVX, ngày 23-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập hồ sơ khoa học di tích Thành nhà Hồ trình UNESCO, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho BQL Di tích Thành nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Cục Di sản văn hóa lập hồ sơ di sản. Đến ngày 29-9-2009, hồ sơ Thành nhà Hồ đã tới Pháp đúng thời gian quy định. Hồ sơ gồm 161 trang, tóm tắt giá trị của di sản và 24 CD với tổng trọng lượng lên tới 25,41kg. Tiếp đó, tháng 4-2010, Ban Chỉ đạo Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa thế giới tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo quốc tế tìm biện pháp quản lý di sản Thành nhà Hồ. Các nhà khoa học đều cho rằng tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng kế hoạch quản lý lâu dài, bao gồm: Quản lý cảnh quan tự nhiên và văn hóa, quản lý môi trường, quản lý sự phát triển kinh tế - xã hội, quản lý việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản… Trên cơ sở đó, tháng 8-2010, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành cắm mốc giới tại vùng lõi di sản Thành nhà Hồ. Việc cắm mốc là hình thức công khai phạm vi khoanh vùng bảo vệ, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong mọi tầng lớp nhân dân.

Nhằm đổi mới mô hình quản lý và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ trong quá trình đề cử Di sản văn hóa thế giới, ngày 21-9-2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3341/QĐ-UBND "nâng cấp" BQL Di tích Thành nhà Hồ thành Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu nội dung lịch sử, giá trị văn hóa của di sản; tổ chức nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiệp vụ bảo tồn, bảo tàng nhằm bảo quản, trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị vật chất và tinh thần của di sản; ngăn chặn mọi hành vi xâm hại di sản; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ di sản...

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật toàn cầu nói trên cùng những động thái tích cực trong việc bảo tồn di sản của tỉnh Thanh Hóa, hy vọng Thành nhà Hồ sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 6 tới.

(Theo HNMO)