Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

(NTO) Tỉnh ta có bờ biển dài hơn 105 km, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp cùng với điều kiện khí hậu đặc thù về nắng và gió nên thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, các ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản, sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn, năng lượng tái tạo, cảng biển và công nghiệp ven biển.

Với những thế mạnh đã nhận rõ, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 104-CTr/TU ngày 13-6-2007 thực hiện Nghị quyết đã nêu. Theo đó, Tỉnh ủy xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp chủ yếu với mục tiêu là “Xây dựng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, phấn đấu đến năm 2020 Ninh Thuận trở thành một trong những tỉnh có kinh tế biển phát triển mạnh”. Đồng thời, các ngành, địa phương căn cứ tình hình, điều kiện thực tiễn của từng nơi đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch phù hợp. Đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh vùng biển đạt nhiều kết quả tích cực, kết cấu hạ tầng vùng biển và đô thị ven biển từng bước được đầu tư phát triển, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn khu vực biển và ven biển.

Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) là một trong những điểm có thế mạnh phát triển kinh tế biển của huyện Ninh Hải. Ảnh: MD

Một trong các kết quả nổi bật, đó là những năm qua tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, bảo đảm cho nhu cầu phát triển nhanh và bền vững, tăng tính kết nối phát triển vùng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trọng tâm là đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển dài 105,5 km với tổng mức đầu tư trên 4.654 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và vốn ngân sách tỉnh đã đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối tuyến đường ven biển, các tuyến giao thông vào đến các cảng cá nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực ven biển nói chung. Đơn cử như tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai kết nối đường Yên Ninh, đường vào Cảng cá Cà Ná, đường vào Trung tâm giống thủy sản tập trung An Hải... Không những vậy, tỉnh còn đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng 3 Cảng cá: Đông Hải, Ninh Chử, Cà Ná và Bến cá Mỹ Tân với quy mô neo đậu 3.200 tàu cá các loại, phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt trong và ngoài tỉnh neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng biển Ninh Chữ và Cảng tổng hợp Cà Ná, nhằm đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu vận tải đường thủy của tỉnh, phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp và nhu cầu hàng hóa, vận chuyển xăng dầu trong tỉnh và của khu vực lân cận.

Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng được quan tâm và đạt kết quả khá tích cực, tổng sản lượng thuỷ sản khai thác hàng năm tăng lên đáng kể, năm 2017 đạt gần 98.470 tấn. Năng lực tàu thuyền toàn tỉnh không ngừng tăng lên, nhất là tàu công suất lớn. Toàn tỉnh hiện có 2.771 chiếc/345.129 CV, trong đó có 38 tàu có công suất trên 700 CV; tăng 12 chiếc/44.634 CV so với cùng kỳ năm trước. Lợi thế về sản xuất giống thủy sản được phát huy, từng bước trở thành vùng sản xuất giống thủy sản quy mô lớn của cả nước. Dịch vụ nghề cá, chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu hải sản tiếp tục có bước phát triển. Du lịch biển đang từng bước định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển gắn với nhóm tài nguyên mang đặc trưng của tỉnh. Kết quả thu hút khách du lịch trong và ngoài nước giai đoạn 2007-2017 tăng trưởng bình quân 18%/năm; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân 16%/năm. Riêng trong năm 2017, tổng lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt 1,9 triệu lượt, tăng 11,8%, doanh thu ước đạt 883 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ... Thực tế rất đáng ghi nhận là điều kiện sống của người dân vùng biển từng bước được cải thiện; việc phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh vùng biển; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, an ninh biển đảo được giữ vững.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế như kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Lĩnh vực thủy sản phát triển chưa bền vững, hiệu quả; giá trị sản xuất công nghiệp biển và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt thấp; một số dự án du lịch có quy mô lớn chậm hoàn thành; một số sản phẩm du lịch đặc thù chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo được nét đặc trưng để thu hút du khách. Nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển còn hạn chế...

Để tăng cường việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, và đặc biệt là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao, là trung tâm năng lượng sạch, là khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước. Trước mắt, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 3 nhóm ngành: Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển, ven biển để tạo bứt phá và trở thành động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác. Chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng bình quân 15-16%/năm...

Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm thực hiện, tin rằng trong thời gian tới tiềm năng kinh tế biển của tỉnh sẽ tiếp tục được khai thác đúng mức, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế chung của tỉnh.