Bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

(NTO) Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng dạo quanh một vòng tại các chợ, cửa hàng kinh doanh, siêu thị trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy nhiều mặt hàng phục vụ trong dịp Tết đã được trưng bày lên kệ với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, phong phú, không khí mua sắm bắt đầu nhộn nhịp.

Ông Phan Văn Luông, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Để ổn định nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, năm nay, UBND tỉnh tạm ứng nguồn vốn ngân sách địa phương 18 tỷ đồng hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để tham gia Chương trình bình ổn giá đối với 8 nhóm mặt hàng thiết yếu, gồm: Gạo, nếp; thịt gia súc (heo, bò); thịt gia cầm (gà, vịt); trứng gia cầm (gà, vịt); thực phẩm chế biến; dầu ăn; đường và rau, củ, quả tươi. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn–Phan Rang (Siêu thị Co.opmart Thanh Hà) được hỗ trợ 8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ 4 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Nguyên 3 tỷ đồng và Công ty TNHH Dược phẩm–Thương mại Thy Thy 3 tỷ đồng. Thời gian để các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trong vòng 3 tháng, từ ngày 15-12-2017 đến ngày 15-3-2018.

Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: V.T

Theo đánh giá của Sở Công Thương, dự kiến sức mua trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sẽ tăng khoảng 15-20%, nên lượng hàng mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự trữ cũng tăng đáng kể. Chỉ tính riêng 4 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn có tổng lượng hàng dự trữ trên 140 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hà cho biết: Hiện nay, siêu thị chúng tôi đang có khoảng 15.000 mặt hàng các loại, chủ yếu là hàng Việt Nam chiếm trên 95%. Riêng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tết, đơn vị dự trữ trên 35 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với những tháng bình thường, trong đó 8 nhóm mặt hàng bình ổn giá, đơn vị dự trữ hơn 10,3 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian từ nay đến tết, đơn vị sẽ áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi lớn và thực hiện giảm giá từ 10-50% đối với một số mặt hàng hóa mỹ phẩm, may mặc, thực phẩm tươi sống...

Ngoài nguồn hàng dự trữ của 4 doanh nghiệp nói trên, hiện nay một số đơn vị như: Siêu thị Vinmart, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phượng Định..., dù không được vay vốn ưu đãi, nhưng các doanh nghiệp này vẫn chuẩn bị hàng trăm ngàn tấn hàng hóa về gạo, nếp, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt các loại.., để phục vụ nhu cầu thị trường tết; đồng thời, cam kết thực hiện việc bán hàng đảm bảo chất lượng, đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả.

Để tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm thuận lợi, trong thời gian từ nay đến tết, Sở Công Thương sẽ phân bổ kế hoạch để các doanh nghiệp thực hiện khoảng 60 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn về các xã vùng sâu, vùng xa của 6 huyện trong tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp đăng ký địa điểm bán hàng bình ổn và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết đến mua hàng. Theo đó, năm nay có 9 địa điểm bán hàng bình ổn, trong đó nhiều nhất là Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ với 6 địa điểm, nằm ở các vị trí: Cửa hàng Đông Hải (gần UBND phường Đông Hải); Quầy số 12, đường Lê Hồng Phong; Quầy số 9-210, đường Thống Nhất; Quầy số 6-412, phường Phước Mỹ; Quầy số 14, đường Ngô Quyền (Tp.Phan Rang –Tháp Chàm); Cửa hàng Lương thực thực phẩm Phú Quý (Ninh Quý, Ninh Phước). Đối với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn–Phan Rang, địa điểm bán hàng bình ổn tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Nguyên, địa điểm bán tại Cửa hàng số 543, đường Thống Nhất (Tp. Phan Rang–Tháp Chàm) và Công ty TNHH Dược phẩm–Thương mại Thy Thy, địa điểm bán tại Cửa hàng 382, đường Thống Nhất (Tp. Phan Rang–Tháp Chàm).

Thời gian từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thị trường sẽ có những diễn biến phức tạp, hiện ngành Công Thương đang chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn để theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, quy định niêm yết giá bán tại các chợ, điểm kinh doanh, siêu thị..., nếu phát hiện có hành vi gian lận thương mại, tình trạng găm hàng, đầu cơ, nâng giá sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, nhất là các mặt hàng như pháo, rượu, thuốc lá lậu..., nhằm tạo sự công bằng trong kinh doanh, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.