FAO bác bỏ khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 7-2, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) khẳng định mặc dù giá lương thực trên toàn cầu tăng liên tục trong 7 tháng qua và góp phần gây biến động chính trị ở Trung Đông nhưng sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới.

Ông Áp-đôn-rê-da Áp-ba-si-an (Abdolreza Abbassian), nhà kinh tế chủ chốt của FAO nhấn mạnh những dự báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới trong bối cảnh hiện nay là “võ đoán” và “gây hoảng loạn”. Những nghiên cứu chung giữa FAO, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) sau cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 đã dự báo giá lương thực toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực mới sắp diễn ra. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) vừa công bố cũng nhấn mạnh phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008- 2009 cũng dẫn đến giá lương thực toàn cầu tăng trong những năm tới và thực tế này hoàn toàn hợp lý.

Các nghiên cứu của FAO và IFPRI đều nhấn mạnh những nhân tố vĩ mô “rất khác nhau” giữa bối cảnh hiện nay và bối cảnh trước cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 mặc dù giữa 2 bối cảnh này có nhiều điểm giống nhau như đồng đôla Mỹ suy yếu, giá dầu tăng, nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh. Dự trữ lương thực thế giới hiện nay cao hơn nhiều so với trước khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 và thế giới có khả năng đối phó tốt hơn nhiều với thực trạng mùa màng thất bát trên thế giới. Trong khi giá gạo trên thế giới vẫn thấp hơn năm 2010 và chỉ bằng 50% so với năm 2008, giá lúa mì và ngô cao hơn 50% so với năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn từ 10%-20% so với năm 2008.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết những lương thực chủ yếu như ngũ cốc và gạo để cứu trợ người nghèo trên thế giới đã được dự trữ để không bị tác động của giá lương thực tăng cao. Giá lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn ổn định, thậm chí đang giảm như giá đậu ở Trung Mỹ. Giá nhiều lương thực chủ chốt ở khu vực tiểu Xahara châu Phi như ngô, kê, cao lương … vẫn tương đối thấp.

Nhà kinh tế Áp-ba-si-an khẳng định có nhiều dấu hiệu tích cực về tình hình lương thực toàn cầu và thế giới không nên quá lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực mới trong năm 2010- 2011.

(Theo TTXVN)