Sản xuất nông nghiệp năm 2018 kỳ vọng có bước đột phá mới

(NTO) Năm 2018 có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Có thể xem đây là luồng gió mới, dự báo “bức tranh” nông nghiệp mở ra nhiều gam màu sáng.

Huyện Thuận Nam mở rộng diện tích trồng măng tây xanh ở xã Phước Ninh.

Cam kết của doanh nghiệp tại Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2017-2018 tổ chức vào cuối tháng 12-2017 cho thấy, sự vào cuộc của các thành phần kinh tế làm nông nghiệp hiện nay không chỉ đơn thuần hợp đồng thu mua sản phẩm như trước đây. Thêm vào đó, có một số nhà đầu tư giàu tiềm lực, uy tín tham gia vào chuỗi giá trị, từ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đến bao tiêu, chế biến sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đi tiên phong phải kể đến Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với cam kết đầu tư liên kết với nông dân Ninh Phước triển khai 2 cánh đồng lớn sản xuất lúa giống ứng dụng công nghệ cao, quy mô 250 ha ở vụ đông-xuân. Đây cũng là một trong hai doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng cánh đồng lớn do tỉnh phát động trong năm 2017. Sự kiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quyết tâm cao tạo ra diện mạo mới, hứa hẹn đem đến tương lai tươi sáng cho nông dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính đồng đất của mình.

Doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất giống cây trồng không lạ, bởi tỉnh ta được đánh giá có lợi thế về khí hậu khô ráo thuận lợi cho bảo quản hạt giống tốt. Không phải bây giờ, trước đây nhiều năm ở tỉnh ta cũng đã xây dựng các cơ sở, trại thực nghiệm sản xuất giống cây trồng. Đi sâu vào ngành lúa gạo, hoạt động sản xuất giống năm 2018 sẽ khởi sắc hơn khi có thêm nhân tố mới đến tỉnh ta hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân. Ngoài Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam là những đơn vị gắn bó với nông dân từ lâu, thì hiện nay Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát (Bình Thuận) cũng có thiện chí xây dựng vùng sản xuất lúa giống ở huyện Ninh Phước, Thuận Bắc. Việc doanh nghiệp ngoài tỉnh quyết tâm mở rộng địa bàn sản xuất, kinh doanh cho thấy thời gian qua ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư. Hướng tới thực hiện có kết quả cơ cấu lại nội ngành lúa gạo, huyện Ninh Phước đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát thuê mặt bằng xây dựng kho bãi để tiến hành liên kết với nông dân sản xuất giống ngay trong vụ đông-xuân 2017-2018. Và như thế, triển vọng thời gian tới nông dân sẽ hưởng được nhiều lợi ích.

Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp trong năm 2018 tuy chưa thực sự mạnh mẽ, nhưng dấu hiệu lan tỏa sang các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có giá trị kinh tế cao đã rõ. Điểm sáng là Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đang xúc tiến xây dựng Nhà máy chế biến các sản phẩm từ măng tây xanh, cho thấy doanh nghiệp trở thành nhân tố quan trọng trong khai thác lợi thế đất đai và khí hậu để phát triển đa dạng các mặt hàng nông sản. Cùng với đó, hoạt động xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến cũng được gấp rút triển khai ở nhiều địa phương, mở ra triển vọng mới để nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Sau khi thịt cừu Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín cũng đã phát triển thêm sản phẩm thịt cừu sấy khô chất lượng cao. Để đảm bảo có nguồn hàng hóa dồi dào cung cấp cho người tiêu dùng trên cả nước, doanh nghiệp đã đầu tư vốn để hộ chăn nuôi tăng đàn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động vùng nông thôn.

Năm 2018, ngành Nông nghiệp hứa hẹn chuyển biến tích cực nhờ khai thông được các cơ chế chính sách, thu hút dòng tiền từ doanh nghiệp. Hiện tại, ngành chức năng, các địa phương đang triển khai thực hiện Quyết định số 62/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung vào 4 nội dung: Hỗ trợ nhân rộng tưới tiết kiệm nước 458 ha; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây nho, táo, cây trồng cạn 494,3 ha; phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, với tổng kinh phí gần 14,1 tỷ đồng. Từ chính sách ưu đãi, kỳ vọng năm 2018 sẽ thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị đầu tư vào nông nghiệp, tạo bước đột phá mới, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.