Những chuyển biến tích cực trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

(NTO) Trong năm 2017, ngành Dân số tỉnh ta mặc dù còn khó khăn nhưng với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cán bộ y tế phường Mỹ Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tư vấn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân.

Đồng chí Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh, Sở Y tế về công tác dân số-KHHGĐ; chỉ đạo Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình của Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số-KHHGĐ. Bên cạnh đó, ngành tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai các mô hình lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến tận các vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao. Đồng thời, thực hiện ký kết liên tịch với Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền các chuyên trang, chuyên đề về công tác dân số-KHHGĐ. Nội dung các tin, bài trên báo, chương trình đăng tải và phát sóng truyền hình thời gian qua được đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào kết quả chung của công tác truyền thông về dân số-KHHGĐ của tỉnh nhà. Song song đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ từ tỉnh đến các tuyến huyện, thành phố, xã, phường cũng được triển khai đầy đủ và kịp thời đến tay từng đối tượng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên năm qua, các chỉ tiêu về công tác dân số-KHHGĐ được giao đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 47.368 ca, đạt 101,2% kế hoạch năm. Trong đó, các biện pháp tránh thai lâu nay khó thực hiện như triệt sản, dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai... đã được người dân tin tưởng và thực hiện ngày càng cao. Cụ thể như triệt sản 191 ca, đạt 127,3%; thuốc tiêm tránh thai 3.193 ca, đạt 137%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,129%.… Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số-KHHGĐ tỉnh ta vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016 và cao hơn 2,2% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ áp dụng cấy thuốc tránh thai còn thấp; trang thiết bị, dụng cụ y tế của một số địa phương còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao...

Thực hiện mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, duy trì mức sinh thay thế bền vững, năm 2018, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tích cực khắc phục những khó khăn, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác dân số-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục duy trì hoạt động Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt chú trọng vào các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vận động các nhóm đối tượng đặc thù ở vùng có mức sinh cao… nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Phấn đấu cuối năm 2018, toàn tỉnh giảm tỷ lệ sinh con thứ ba xuống 15%; có 71% cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, mức giảm sinh còn 0,4-0,5‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,13%, đảm bảo quy mô dân số trung bình là 618 ngàn người.