Năng lực mới của tàu cá sau 3 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP

(NTO) Tính đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh ta đã có 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá với tổng dự toán gần 500 tỷ đồng. Qua sự nhiệt tình hưởng ứng của ngư dân cho thấy chính sách nói trên ngày càng đi vào cuộc sống, tạo niềm tin lớn thúc đẩy việc đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản tỉnh nhà.

Tàu cá neo đậu tại khu vực đầm Nại (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải) phía Nam cảng cá Ninh Chữ. Ảnh: B.T 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nếu phân tích theo nghề, các dự án trên có 36 tàu khai thác hải sản, 7 tàu dịch vụ hậu cần, trong đó có 34 tàu đã hoàn thành đi vào hoạt động và 9 tàu đang trong giai đoạn thi công. Điểm chung là dù làm dịch vụ hậu cần nghề cá hay khai thác đánh bắt hải sản, tàu đóng mới đều là tàu có công suất lớn từ 420 CV đến trên 1.000 CV. Cụ thể có 5 chiếc loại 420-480 CV, 1 chiếc 500 CV, 2 chiếc 600-620 CV, 12 chiếc 800-822 CV, 17 chiếc 829-880 CV, 4 chiếc 940-970 CV và có 2 chiếc công suất 1.070 CV. Tính đến thời điểm này, có thể nói tàu công suất 1.070 CV là tàu công suất lớn nhất ở tỉnh ta. Đặc biệt, cả 2 tàu có công suất nêu trên đều là tàu vỏ gỗ thuộc huyện Thuận Nam, trong đó một chiếc là tàu dịch vụ hậu cần của anh Nguyễn Văn Thắng (xã Phước Diêm) hạ thủy cách đây hơn 3 tháng, chiếc còn lại đang đóng là tàu khai thác. Anh Trịnh Kim Ảnh (xã Cà Ná), chủ chiếc tàu đang đóng phấn khởi nói: Tàu cá tôi đã đóng 5 tháng nay với vốn vay 8 tỷ đồng và vốn đối ứng của gia đình 3,5 tỷ đồng. Việc giải ngân, thi công đều suôn sẻ, tôi chuẩn bị hạ thủy trong tháng 2-2018, với hoạt động khai thác chuyên nghề lưới chụp.

Đáng chú ý là trong quá trình vay vốn đóng tàu theo NĐ số 67, các ngư dân không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi, mà còn được các cơ sở đóng tàu hỗ trợ. Anh Cao Thanh Tùng, chủ cơ sở đóng mới tàu Đại Thịnh chia sẻ: Hằng năm cơ sở sửa chữa 300 lượt ghe thuyền và đóng mới 8 tàu cá. Với tâm huyết mong muốn bà con có tàu đánh bắt xa bờ nên chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ và trong quá trình đóng nếu bà con khó khăn, chúng tôi sẽ giúp đỡ trong khả năng của mình. Những ngày gần đây, tiếp xúc với các ngư dân có tàu “67”, chúng tôi ghi nhận có nhiều tàu đánh bắt hiệu quả và không ít ngư dân bày tỏ nguyện vọng vay vốn “67” đóng thêm tàu. Ngư dân Trần Công Thắng ở khu phố 4, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chủ tàu cá “67” vỏ gỗ có công suất 829 CV hành nghề lưới rê, cho biết: Tàu tôi đóng từ năm 2016, với nghề lưới rê trung bình hằng tháng thu nhập 500-600 triệu đồng. Thực tế cho thấy tàu gỗ truyền thống làm rất đạt, vì vậy tôi mong tàu gỗ cũng được hỗ trợ lãi vay như tàu sắt và composite. Nếu được vay nữa, tôi sẵn sàng đóng thêm tàu có vỏ composite. Một ngư dân khác là anh Võ Xuân Lanh, ở thôn Mỹ Tân 1 (xã Thanh Hải, Ninh Hải), chủ tàu “67” vỏ composite cũng có công suất 829 CV, làm nghề lưới vây rút chì cũng bày tỏ nguyện vọng: Tôi mong tiếp tục được vay vốn để đóng thêm tàu đánh bắt xa bờ.

Có thể nói với chí hướng vươn khơi xa (cụ thể là Trường Sa), nhờ sự giúp sức của ngân hàng, đã tạo ra chất xúc tác quan trọng cho các ngư dân vay vốn NĐ số 67 đóng tàu lớn. Anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định: Việc vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu lớn để đủ sức vươn khơi đã bước đầu làm thay đổi bộ mặt nghề cá, lần đầu tiên tỉnh ta có tàu cá công suất trên 1.000 CV và có tàu cá được đóng bằng vỏ thép, composite với chiều dài thiết kế trên 20 m, sử dụng máy chính mới 100% và các trang thiết bị khai thác hiện đại. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động cho thấy bên cạnh các tàu “67” vươn khơi xa, vẫn có một số tàu chủ yếu hoạt động trong vùng lộng gần đảo Phú Quý, Côn Sơn, giàn khoan DK1. Thường xuyên có mặt ở khơi xa, anh Võ Ngọc Minh (khu phố 9, phường Đông Hải), chủ tàu gỗ “67” công suất 940 CV hoạt động dịch vụ hậu cần giải thích: Khi đi Trường Sa, mỗi chuyến ra vô phải mất 2 ngày, 1 đêm, cho nên muốn tăng thêm tàu ra đó khai thác, tôi nghĩ cần phải có nhiều tàu làm dịch vụ hậu cần hơn nữa. Theo ghi nhận, trong số tàu “67” đang hoạt động có 6 tàu làm dịch vụ, như vậy so với nhu cầu phục vụ cho khai thác, lượng tàu này chưa đủ đáp ứng.

Hiện nay theo phân bổ của Bộ NN&PTNT, tỉnh ta còn chỉ tiêu đóng mới 30 tàu cá theo NĐ số 67. Tận dụng cơ hội này, trong định hướng cho ngư dân vươn khơi xa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, UBND tỉnh khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần thu mua hải sản; tổ chức thành lập thêm và đẩy mạnh hoạt động các Tổ đội đoàn kết trên biển. Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để phát huy năng lực mới của tàu cá “67”, đề nghị tỉnh quan tâm triển khai chính sách đầu tư theo NĐ số 67 để nâng cấp hệ thống cảng cá theo kịp sự phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh.