Bác Ái: Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

(NTO) Hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, thời gian qua, huyện Bác Ái đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từng bước mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống người dân.

Huyện miền núi Bác Ái có hơn 26.000 dân, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên 13.600 ha, tuy nhiên phần lớn là đất đồi núi, không chủ động nước tưới nên việc trồng trọt của nông dân gặp không ít khó khăn. Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, năm 2011, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và gần đây nhất là thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế, lựa chọn giống cây, con có thế mạnh tiềm năng, lợi thế, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn.

Nông dân xã Phước Thắng liên kết với doanh nghiệp trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn.

Trên cơ sở đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương, huyện Bác Ái đã xây dựng và triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bằng giải pháp đưa các đối tượng cây trồng ít sử dụng nước, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giảm dần diện tích canh tác lúa. Trong năm 2017, huyện tập trung vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hơn 462 ha. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất tập trung hơn 1.300 ha lúa, phân bố ở những vùng hưởng lợi từ các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung, địa phương đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng bắp lên 3.285 ha, mía trên 300 ha, mỳ 816 ha, đậu các loại trên 1.000 ha…, tập trung chủ yếu ở các vùng đất phù sa ven sông, ven suối. Kết quả từ việc chuyển đổi cây trồng hợp lý đã biến nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây trở nên trù phú, tạo ra những cánh đồng sản xuất ổn định.

Đơn cử như ở xã Phước Hòa, nhận thấy cây mỳ phù hợp với đồng đất địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mỳ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Chamaléa Xuân, ở thôn Chà Panh chia sẻ: Gia đình có 1,8 ha đất, nhưng trước đây chỉ quen trồng lúa và bắp địa phương, mang lại hiệu quả thấp, có nhiều vụ phải ngưng sản xuất. Được cán bộ xã vận động, cải tạo lại đất, chuyển qua trồng mỳ hơn 2 năm nay, sau mỗi vụ thu hoạch đều cho năng suất đạt trên 20 tấn/ha, gia đình có thu nhập khá hơn. Bên cạnh đó, từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình 135, 167, 30a…, địa phương cũng đã hỗ trợ nông dân khai thác hiệu quả vùng đất canh tác kém hiệu quả chuyển sang trồng thử nghiệm một số cây trồng mới như: Mãng cầu, quýt đường, đu đủ, chanh dây với gần 10 ha, bước đầu khẳng định được giá trị kinh tế và được người dân đón nhận.

Cùng với phát triển trồng trọt, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đã mang lại những tín hiệu vui với tổng đàn hiện có gần 58.000 con. Hằng năm, huyện Bác Ái còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đặc thù để cấp con giống cho người dân ở các xã, tạo điều kiện để bà con phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình. Hiện trên địa bàn huyện cũng đã hình thành nhiều trang trại, gia trại với quy mô tổng đàn từ vài chục con đến hàng trăm con. Đặc biệt, mô hình nuôi heo theo hình thức liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phát triển khá mạnh với số lượng lên tới hàng ngàn con, được doanh nghiệp đầu tư vốn mua thức ăn, giống, bao tiêu sản phẩm đã thu hút nhiều hộ tham gia.

Nhờ những giải pháp tích cực trên, đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện Bác Ái đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện đạt 450,8 tỷ đồng, chiếm 48,4% giá trị sản xuất toàn huyện, tăng 12% so với năm 2016; tổng sản lượng lương thực đạt 14.211 tấn/14.000 tấn, đạt 102% kế hoạch đề ra.

Định hướng phát triển kinh tế của huyện Bác Ái trong thời gian tới đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất; phát triển và nhân rộng các mô hình luân canh, chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh hoạt động liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tiềm năng cây trồng, vật nuôi thế mạnh…, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, phấn đấu đưa nông nghiệp huyện miền núi Bác Ái từng bước phát triển bền vững.