Để rừng mãi xanh

Bài 3: Dựa vào dân để bảo vệ và phát triển rừng

(NTO) Rừng tỉnh ta được phân bố trên địa bàn 35 xã, thuộc 6 huyện, chủ yếu là vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống sản xuất của người dân chủ yếu vẫn dựa vào rừng. Chính vì vậy, vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế từ rừng là một trong những vấn đề rất được quan tâm thực hiện.

Chọn giống cây rừng phù hợp

Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam từng là một vùng đất gặp nhiều khó khăn trong công tác trồng và bảo vệ rừng bởi khí hậu khô nóng, vùng đất cát, núi ven biển nghèo dinh dưỡng, đứng trước nguy cơ bị sa mạc hóa. Không những thế, vào mùa khô, thiếu thức ăn đàn gia súc tại địa phương đã ăn phá cây rừng nên công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy giống cây thanh thất phù hợp phát triển trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, lá cây có vị đắng nên gia súc ít ăn phá, Ban Quản lý Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã ươm giống để đưa vào trồng rừng.

Người dân xã Phước Bình (Bác Ái) trồng cây ăn trái trên đất dốc tạo sinh kế dưới tán rừng.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cho biết: Thanh thất là loại cây bản địa có nhiều ưu thế vượt trội, kháng được sâu bệnh, cây sinh trưởng nhanh, khả năng khép tán và thành rừng cao. Đặc biệt, loại cây này trồng trong vùng chăn thả gia súc của người dân nhưng vẫn không bị gia súc ăn hoặc phá hoại. Chính vì vậy, năm 2017, Ban Quản lý rừng đã triển khai cho các nhóm cộng đồng xã Phước Dinh, Phước Minh trồng 131,8 ha cây thanh thất trên núi đá và trồng xen 28 ngàn cây mãng cầu để kết hợp tạo sinh kế cho người dân. Mặt khác, đơn vị đã giao khoán 1.945 ha rừng cho các nhóm tổ cộng đồng bảo vệ. Đến nay, hầu hết cây trồng đều sinh trưởng phát triển tốt, góp phần giữ đất, giữ mạch nước ngầm, chống sạt lở và nguy cơ sa mạc hóa trên vùng rừng phòng hộ ven biển.

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng thích nghi và ưu thế vượt trội của cây trồng, năm 2017, ngành Lâm nghiệp đã triển khai cho các đơn vị tiếp tục mở rộng trồng rừng với tổng diện tích 318,8 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ tập trung cây thanh thất thuần loài là 298,8 ha thuộc khu vực Rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, Vườn Quốc gia Núi Chúa và Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Trâu; trồng rừng phòng hộ tập trung hỗn giao cây thanh thất và lim đá với diện tích 20 ha, theo chương trình trồng rừng thay thế khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt.

Tạo sinh kế từ giao rừng khoán quản

Nhằm nhân rộng mô hình tổ đội quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi phát triển rừng tạo sinh kế bền vững, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai cho các đơn vị chủ rừng tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư tại địa phương theo các chương trình dự án, đồng thời vận động các tổ cộng đồng sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được chi trả cho công nhận khoán, theo đó người dân đã tự trích một phần tiền công nhận khoán để mua dê, cừu, bò và trồng cây ăn quả... Đến nay, các hộ dân đã mua tổng cộng 12 con dê (cừu), 156 con bò, trồng 1.882 cây ăn quả để chăm sóc dưới tán rừng, tạo sinh kế, tăng thu nhập. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và Dự án JICA2, các địa phương còn thực hiện mô hình trồng rừng xen với cây ăn quả có giá trị cao như bơ, bưởi, mít, mãng cầu với diện tích gần 400 ha.

Cùng với việc giao rừng khoán quản, công tác phục hóa cải tạo đất ven rừng phát triển trồng trọt, mô hình sinh kế cho người dân cũng được các chủ rừng chú trọng thực hiện. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã trồng rừng đạt 762 ha, trong đó 749 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 13 ha rừng sản xuất. Các diện tích trồng rừng chủ yếu là đất nương rẫy xen lẫn trong rừng, ven rừng của người dân đã bị thoái hóa bạc màu không còn khả năng canh tác hoa màu. Việc trồng rừng đã góp phần tăng độ che phủ và tạo điều kiện sinh kế thu nhập cho cho các hộ dân sau này từ các sản phẩm như mủ trôm, hạt điều.

Ông Hồ Sỹ Trung, Phó phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh đã thực hiện giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng với diện tích là 65,7 ngàn ha; trong đó diện tích giao khoán cho cộng đồng là 53,5 ngàn ha với 85 tổ cộng đồng, 2.579 hộ dân tham gia. Việc giao khoán bảo vệ rừng cho hộ dân, cộng đồng, đã góp phần làm giảm nạn phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân. Dựa vào dân để bảo vệ, phát triển rừng và rừng cũng mang lại nguồn sống để người dân thêm gắn bó, phát huy trách nhiệm tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.