Đổi mới công nghệ, hướng tới một nền sản xuất sạch hơn

Trong xu thế phát triển hiện nay, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, yêu cầu giải quyết tốt bài toán bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên thiên nhiên là vấn đề rất bức thiết hiện nay.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Thực hiện kế hoạch này toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 25% các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sản xuất sạch hơn, qua đó tiết kiệm được 5% – 8% mức tiêu thụ năng lượng nhiên liệu vật liệu trên đơn vị sản phẩm.

Sản xuất rau an toàn ở xã An Hải (Ninh Phước)

Toàn tỉnh hiện có 5.716 cơ sở sản xuất Công nghiệp trong đó có 99 công ty, 7 hợp tác xã và 5.610 cơ sở sản xuất hộ gia đình. Các cơ sở sản xuất này chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng nguyên, nhiên liệu, chi phí giá thành cao, tính cạnh tranh thấp và tác động xấu đến môi trường.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành, nâng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tiêu biểu như công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận đã đầu tư thay thế hệ thống dây chuyền sản xuất mới từ khâu bóc tách vỏ hạt điều, đến khâu đóng gói sản phẩm nên không những giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu (HACCP), hàng năm tiết kiệm trên 2 tỷ đồng.

Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành, Sở khoa học và Công nghệ cho biết: “Để hỗ trợ các doanh nghiêp thực hiện chủ trương sản xuất sạch hơn sở đang xây dựng đề án chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KHCN, trong đó hỗ trợ 30% chi phí cho các doanh nghiệp trọng điểm về công tác kiểm toán năng lượng - kiểm tra phát hiện các sai sót về thiết bị máy móc gây thất thoát năng lượng. Qua đó nhằm đánh giá lại tình hình sản xuất của doanh nghiệp thông qua sử dụng thiết bị và tiêu hao điện năng, để có phương án và giải pháp khắc phục đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng”.

Trong nông nghiệp việc sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng cũng được tỉnh ta hết sức quan tâm. Nỗ lực đáng kể nhất được ghi nhận thời gian qua đó là hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn ở Văn Hải (Phan Rang – Tháp Chàm), An Hải (Ninh Phước); hay các mô hình sản xuất an toàn sinh học được triển khai trên một số cây trồng như cây mãng cầu, cây thanh long, nho… Trong đó có một số mô hình kết hợp với việc sử dụng các thiết bị tưới tiết kiệm vừa giảm chi phí điện năng, giảm lượng nước tưới, giảm công chăm bón mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Gắn liền với phương pháp canh tác khoa học, một số thương hiệu sản xuất theo hướng an toàn như nho Ba Mọi, mít Lâm Sơn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm.

Trong xu thế phát triển hiện nay, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng, yêu cầu giải quyết tốt bài toán bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên thiên nhiên là vấn đề rất bức thiết hiện nay. Muốn giải quyết tốt bài toán này đòi hỏi các nhà sản xuất có trách nhiệm và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; mặt khác phải chủ động đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng rộng rãi công nghệ sản xuất sạch hơn. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh đến năm 2020 là đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh- sạch”, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và xây dựng môi trường sống tốt, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến trong tương lai.