Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm

(NTO) Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp siết chặt quản lý, tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng mất ATTP vẫn là mối lo đối với người tiêu dùng.

Nổi cộm đó là tình trạng vi phạm quy định ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vẫn còn khá phổ biến. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 54.683 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện ATTP của các ngành chức năng tại 6.302 cơ sở, đã phát hiện 1.148 trường hợp vi phạm, chiếm 18,2%, tập trung vào các lỗi: cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc có nhưng hết hiệu lực; điều kiện vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm; kinh doanh thực phẩm chưa có hồ sơ công bố hợp quy; sản xuất hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố; sử dụng thực phẩm chế biến không rõ xuất xứ, nguồn gốc, hết hạn sử dụng… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành lấy 1.121 mẫu thực phẩm để xét nghiệm, test nhanh, kiểm tra sinh hóa, lý hóa, kết quả đã phát hiện 73 mẫu không đạt yêu cầu, trong đó có 4 mẫu đồ uống không cồn sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định; 2 mẫu rượu vang nho có hàm lượng ethanol không phù hợp kỹ thuật theo quy định; một số mẫu nước đóng chai, thực phẩm bị nhiễm khuẩn, vi sinh vật, có các chỉ tiêu hóa học vượt ngưỡng cho phép… Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành thu thập 75 mẫu rau, củ, quả để phân tích nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc 2 nhóm lân hữu cơ và Carbamate, kết quả có 4 mẫu không đạt mức an toàn…Điều đáng nói là mặc dù số trường hợp vi phạm chiếm tỷ kệ khá cao, tuy nhiên, công tác xử phạt lại hết sức khó khăn và chưa quyết liệt. Cụ thể, trong số 1.148 cơ sở vi phạm chỉ có 67 cơ sở bị xử lý với hình thức phạt tiền, với tổng số 164.350.000 đồng, chủ yếu do tuyến tỉnh thực hiện. Số còn lại chỉ bị nhắc nhở. Chính sự thiếu quyết liệt, chưa mạnh tay trong việc áp dụng các biện pháp chế tài là một trong những nguyên dân dẫn đến thiếu ý thức chấp hành pháp luật, tình trạng vi phạm về ATTP khá phổ biến như hiện nay.

Đoàn thanh tra Sở Y tế chủ trì kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh.

Công tác quản lý ATTP của các cấp, các ngành chức năng còn lỏng lẻo, nhiều bất cập. Điển hình là công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo phân cấp quản lý tại tuyến huyện, thành phố còn chậm. Việc triển khai thực hiện ký cam kết đối với bếp ăn tập thể tại các công ty, doanh nghiệp, trường học và các cơ sở thức ăn đường phố do tuyến huyện, xã, phường quản lý chưa tích cực. Theo thống kê, hiện các huyện, thành phố quản lý 835 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tuy nhiên chỉ có 257 cơ sở được cấp giấy chứng nhận, chiếm 30,8%; chỉ có 393/3.007 cơ sở thức ăn đường phố ký cam kết thực hiện các quy định về ATTP, chiếm 13,1%. Hay như đối với ngành Công Thương, có đến 133 cơ sở bánh, mứt, kẹo nằm trong diện bắt buộc phải cấp giấy chứng nhận, nhưng chỉ có 17 cơ sở được cấp giấy và cũng chỉ có 15.774/44.607 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ do ngành nông nghiệp quản lý ký cam kết thực hiện quy định ATTP trong sản xuất…

Tình hình ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua tăng cả về số vụ và số người mắc. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm, với 230 người mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong, nguyên nhân là do ăn có nóc có chứa độc tố tự nhiên. các trường hợp ngộ độc khác là do ăn hải sản có chứa độc tố, thực phẩm bị nhiễm khuẩn… Qua đó cho thấy sự thiếu hiểu biết, kiến thức, cũng như ý thức của người dân trong quá trình chế biến, lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Trong năm 2018, nhiệm vụ đặt ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm cho các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP.... Trước mắt tập trung bảo đảm ATTP cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ATTP năm 2018, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để hoàn thành tốt nghiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc thực phẩm tập thể và không để bất cứ trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh; không có vùng cấm trong việc xử phạt ATTP. Ngoài ra, các địa phương cần nhanh chóng thực hiện chỉ tiêu mỗi huyện, thành phố xây dựng 2 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, giới thiệu rộng rãi cho người tiêu dùng; quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở giết mổ tập trung nhằm cung cấp thực phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng, góp phần đảm bảo quyền lợi và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.