Thế giới trong tuần

1. Liên minh châu Âu (EU) sẽ trụ vững và vẫn mạnh mẽ sau khi Anh ra đi, còn gọi là Brexit. Trên đây là tuyên bố mới nhất của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini về vấn đề nóng hiện nay của liên minh. Phát biểu tại thủ đô La Habana của Cuba ngày 3-1, bà Mogherini bày tỏ lạc quan về việc EU không chỉ vượt qua mà còn phát triển sâu rộng hơn, bất chấp nhiều người cho rằng cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về Brexit là khởi đầu cho sự kết thúc của liên minh này. Bà nhấn mạnh rằng thế giới cần một EU mạnh mẽ và đó là những gì mà các nước thành viên sẽ nỗ lực thực hiện.

Trước đó, hồi tháng 6-2016, với tỷ lệ 52%-48%, người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU, khiến London sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chia tay với mái nhà chung châu Âu. Sau khi Anh gửi thư thông báo quyết định rời EU tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hồi tháng 3-2017, tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và EU kéo dài 2 năm đã chính thức bắt đầu. Hồi cuối năm ngoái, hai bên đã đạt được tiến bộ về các điều khoản “ly hôn” liên quan tới thanh toán tài chính, biên giới Ireland và quyền công dân sau Brexit, mở ra giai đoạn đàm phán mới. Dự kiến, các cuộc đàm phán về giai đoạn chuyển tiếp sẽ được khởi động trong tháng 1 này, trong đó thảo luận về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU, bao gồm thỏa thuận thương mại, an ninh giữa hai bên để chuẩn bị cho việc Anh rời EU vào tháng 3-2019. 

2. Ngày 4-1, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyun-wha tuyên bố nước này sẽ duy trì phối hợp chặt chẽ với Mỹ để tìm cách đối thoại với Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định các cuộc đàm phán liên Triều sẽ không tách biệt với những nỗ lực giải trừ hạt nhân của liên minh Seoul - Washington. 

Trong cuộc gặp với quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper và Tư lệnh các Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK), Tướng Vincent K. Brooks, Ngoại trưởng Hàn Quốc tái khẳng định Seoul sẽ không theo đuổi các cuộc đàm phán liên Triều tách biệt với những nỗ lực giải quyết mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng nhắc lại yêu cầu của Tổng thống Moon Jae-in đối với Bộ Ngoại giao là “phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo rằng các bước đi của Triều Tiên - Hàn Quốc diễn ra đồng thời với nỗ lực giải quyết những vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng”. Bà Kang Kyun-wha nhận định vẫn còn rất nhiều công việc phía trước cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ. 

Về phần mình, quyền Đại sứ Knapper bày tỏ hoan nghênh đối với cam kết giải trừ hạt nhân Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc. Trong khi đó, Tướng Brooks nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh, cho rằng liên minh Mỹ - Hàn Quốc sẽ “mạnh mẽ hơn” khi hai quốc gia phối hợp giải quyết các thách thức phía trước. 

3. "Bom bão tuyết" hoành hành ở miền Đông nước Mỹ.  Một trận bão tuyết dữ dội được mệnh danh là “bom bão” hoành hành ở vùng bờ Đông nước Mỹ trong ngày 4-1, với tuyết rơi dày và giá rét, khiến hoạt động đi lại hết sức khó khăn và nguy hiểm.  Các nguồn tin cho biết ít nhất 4 người đã thiệt mạng tại hai bang North Carolina và South Carolina, nơi các tuyến đường đóng băng khiến các phương tiện trơn trượt, mất kiểm soát. 

Cơn bão mùa Đông khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua bao trùm một khu vực rộng lớn, có những nơi tuyết rơi dày từ 30cm đến gần 46cm và gió mạnh kỷ lục. Cơn bão làm đảo lộn nhiều hoạt động khi hơn 4.200 chuyến bay bị hủy, trên 2.200 chuyến bị hoãn và nhiều trường học phải đóng cửa. 

Tại khu vực miền Bắc bang New York nhiệt độ xuống rất thấp khiến thác Niagara, thác nước khổng lồ nằm ở biên giới Mỹ-Canada đóng băng ngày thứ 3 liên tiếp. 

Tuyết rơi thưa dần về đêm, song nền nhiệt độ vẫn giảm tới -13 độ C, gây rét buốt. 

Theo hãng tin CNN, hiện tượng thời tiết cực đoan lịch sử này đã đẩy hơn 44.000 người Mỹ vào cảnh mất điện, trong đó có hơn 31.000 người ở bang Virginia và North Carolina. Ít nhất 8 triệu người sống tại các khu vực được cảnh báo tác động nguy hiểm của bão tuyết và 58 triệu người sống trong phạm vi đường di chuyển của bão. Nhiều khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp do bão tuyết. 

Các nhà dự báo thời tiết gọi đợt bão lịch sử này tại Mỹ là “bom bão tuyết” bởi khối áp thấp không chỉ khiến tuyết rơi dày kỷ lục mà còn làm tăng cường độ và tốc độ gió, có nơi dự báo lên tới 88,5km/giờ. 

Dự báo cuối tuần này có thể có một đợt không khí lạnh phá kỷ lục ở hơn 20 thành phố và mang theo gió rét với nhiệt độ xuống tới -40 độ C.