Hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào khai thác và nuôi, trồng thủy sản

(NTO) Vùng biển tỉnh ta được đánh giá là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Các tài liệu nghiên cứu xác định nguồn lợi thủy sản biển Ninh Thuận có trữ lượng lớn, khả năng khai thác tối đa hằng năm 60.000 tấn, nếu vươn khơi xa vùng còn tăng gấp bội.

Xác định khai thác thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt, qua đó năng lực tàu cá trong tỉnh tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 2.774 tàu cá với tổng công suất 341.515 CV; trong đó, tàu công suất từ 400-600 CV là 257 chiếc, trên 700 CV là 38 chiếc. Bên cạnh chú trọng thành lập các đội tàu đánh bắt xa bờ có hiệu quả, hình thức tổ chức khai thác cũng được sắp xếp lại theo hướng khuyến khích thành lập các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển theo nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi. Song song đó, công tác hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật (KH-KT) trong khai thác thủy sản cũng được ngành chức năng, các địa phương chú trọng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 625 tàu cá trang bị máy dò ngang, nâng cao năng suất khai thác lên 2-3 lần so với hình thức đánh bắt truyền thống trước đây.

Thiết bị hàng hải hiện đại phục vụ khai thác thủy sản giới thiệu tại Diễn đàn
Khuyến nông@ Nông nghiệp tổ chức tại tỉnh ta vào tháng 11-2017. Ảnh: A.T

Nhìn lại hoạt động ứng dụng KH-CN trong khai thác thủy sản có thể thấy, để hướng tới đạt mục tiêu hiện đại hóa đội tàu, nhất là tàu khai thác vùng khơi, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực giúp ngư dân ứng dụng công nghệ hàng hải để cải tiến các nghề truyền thống; đồng thời, thử nghiệm thành công các mô hình cải tiến nghề vây rút chì trang bị máy định vị, máy thông tin liên lạc, máy Radar hàng hải… đã nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đến nay, có 100% tàu thuyền khai thác vùng lộng và vùng khơi đã được trang bị các thiết bị trên, giúp chủ tàu giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Kết quả thực hiện chương trình hiện đại hóa đội tàu bằng những thiết bị hàng hải hiện đại đã thúc đẩy nghề khai thác thủy sản phát triển theo hướng bền vững, sản lượng đánh bắt tăng dần theo thời gian, năm 2017 đạt 95.000 tấn, cao hơn 10.000 tấn so với năm 2016.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đáng kể nhất là các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị đã ứng dụng công nghệ cao làm sạch môi trường để sản xuất con giống chất lượng cao, hạn chế rủi ro cho các hộ nuôi. Cụ thể, Trung tâm Giống hải sản cấp I (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đầu tư xây dựng hệ thống trại nghiên cứu, sản xuất; ao nuôi thử nghiệm, phòng kiểm tra xét nghiệm chỉ số nước đạt chuẩn. Từ việc đi tiên phong trong ứng dụng KH-KT, đơn vị sản xuất thành công giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng; giống cá chim vây vàng, cá mú, cá chẽm, cá bớp, hàu đại dương, mỗi năm cung cấp cho hộ nuôi, nhất là bà con ở quanh khu vực Đầm Nại hàng chục triệu con giống. Nghề nuôi trồng thủy sản nhờ đó đã thực hiện được mục tiêu đa dạng hóa đối tượng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển, tạo sinh kế cho nhân dân vùng ven biển.

Chương trình ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản với các mô hình nuôi tổng hợp nhiều đối tượng trong một ao đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích vừa làm sạch môi trường nước. Đơn cử, mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm thành công tại xã Phương Hải (Ninh Hải) với ưu điểm giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, kiểm soát lượng thức ăn không để dư thừa, có tác dụng làm sạch môi trường mặt nước, hạn chế dịch bệnh, năng suất đạt cao đang được nhân rộng.

Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Định hướng đến năm 2020, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đưa tỉnh ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn nhất cả nước. Để đạt mục tiêu, tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ KH-KT tiên tiến, hình thành các trang trại nuôi tôm quy mô lớn, an toàn sinh học. Về khai thác thủy sản, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực tàu thuyền. Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, tìm kiếm cơ hội nhập khẩu ứng dụng chuyển giao đồng bộ công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm trên tàu cá nhằm nâng cao gia trị gia tăng mặt hàng thủy sản.