Iceland là quốc gia đầu tiên trên thế giới luật hóa vấn đề trả lương bình đẳng về giới

Iceland (Ai-xơ-len) đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới quy định việc trả lương cho nam giới nhiều hơn nữ giới là trái pháp luật, khi ban hành bộ luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, theo đó các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ có 25 nhân viên trở lên sẽ bị phạt nếu không có chứng chỉ nhà nước chứng nhận việc trả lương công bằng.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã phân tích sự chênh lệch giữa hai giới về giáo dục, sức khỏe, cơ hội về kinh tế và quyền lực chính trị. Kết quả cho thấy Iceland là quốc gia bình đẳng giới nhất trên thế giới và ngược lại, tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra trầm trọng nhất ở Yemen (Y-ê-men).

WEF cho biết mức lương trung bình cho nữ giới trên toàn thế giới là 12.000 USD, trong khi con số này của nam giới là 21.000 USD. Bên cạnh đó, chỉ có 22% các vị trí quản lý cấp cao trên toàn cầu là do nữ giới nắm giữ.

Theo thống kê mới đây của WEF, các quốc gia có mức độ chênh lệch giữa hai giới về các cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế thấp nhất (dưới 20%) là Burundi (Bu-run-đi), Barbados (Bác-ba-đốt), Bahamas (Ba-ha-mát), Benin (Bê-nanh) và Belarus (Bê-la-rút). Ngược lại, năm quốc gia có tỷ lệ này cao nhất (65% trở lên) là Syria (Xi-ri), Pakistan (Pa-ki-xtan), Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Yemen và Iran.

Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 11-2017 đã đề xuất một kế hoạch kéo dài hai năm nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng thu nhập về giới, sau khi nhận thấy hầu như không có tiến triển gì về vấn đề này trong suốt 5 năm qua, khi nữ giới ở Liên minh châu Âu có thu nhập theo giờ thấp hơn nam giới trung bình 16,3%. Đề xuất này bao gồm đặt ra các hình thức trừng phạt tối thiểu đối với các doanh nghiệp không trả lương công bằng và theo dõi chính sách của các quốc gia lớn nhất châu Âu.