Bác Ái từng bước xây dựng cánh đồng mía lớn

(NTO) Xây dựng cánh đồng lớn là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Bác Ái, tạo tiền đề giúp nông dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Đây là mục tiêu mà huyện Bác Ái đang hướng đến để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.

Xây dựng vùng mía nguyên liệu chất lượng cao với quy mô lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng năng lực cạnh tranh giá thành sản phẩm và quan trọng hơn là hướng đến mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn, UBND tỉnh có chủ trương cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang liên kết với nông dân thôn Ma Oai (xã Phước Thắng) trồng mía theo hình thức thuê đất, với diện tích 100 ha, giá thuê 4 triệu đồng/ha/năm. Chủ trương này được nông dân thôn Ma Oai thống nhất do phần lớn đất đã bỏ hoang nhiều năm không sản xuất và đến nay đã có 20 ha mía được xuống giống trong đợt 1. Ông Pi Năng Trách, người dân ở địa phương phấn khởi: Điều mê nhất chính là cái máy cày lớn mà Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang áp dụng để cải tạo đất. Hồi giờ, những trâu, bò trên đây chỉ xới sâu xuống đất từ 15-20 cm. Nhưng chiếc máy cày của nhà máy cày sâu tới 45-55 cm, giúp cho đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, đỡ hao hụt phân bón, nước tưới hơn… Từ đó cho cây mía xanh tốt, đẻ nhiều nhánh và khỏe mạnh hơn.

Hiện nay, xã Phước Thắng đã hoàn thành việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương từng bước định hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung để thuận lợi trong việc tổ chức, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân làm chủ được quy trình canh tác, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cánh đồng mía lớn là một chủ trương lớn của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn. Một phần do điều kiện diện tích đất nhỏ hẹp, nhưng phần lớn là do thói quen canh tác và tư tưởng ngại thay đổi tập quán sản xuất vẫn còn mang nặng trong suy nghĩ của không ít hộ nông dân. Phần lớn hộ trồng mía vẫn theo tập quán canh tác cũ, chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, việc đưa cơ giới hóa còn chậm, chưa đồng bộ, chủ yếu là khâu làm đất. Vì thế, năng suất mía thấp, chỉ đạt từ 52-58 tấn/ha, chất lượng mía chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Với mục tiêu hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng cao, phân chia lợi nhuận giữa người trồng mía và doanh nghiệp theo nguyên tắc hợp tác cùng có lợi. Theo ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, thực hiện dự án cánh đồng mía lớn là một bước tiến dài trong quá trình hình thành nên mối liên kết giữa “4 nhà”, bao gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông một cách bền vững, phát triển, cùng có lợi. UBND huyện đã và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Huyện Bác Ái xác định muốn xây dựng cánh đồng lớn, phải thay đổi nhận thức của người dân. Do đó, huyện đang tập trung vào hai nhiệm vụ then chốt là đẩy mạnh tuyên truyền và ưu tiên các nguồn lực của Chính phủ để giúp người dân phát triển sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu. Đây được xem là bước đệm quan trọng trong tiến trình xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn.