Phước Hà giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

(NTO) Thời gian qua, chính quyền xã Phước Hà (Thuận Nam) luôn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.

Phước Hà là xã miền núi, toàn xã hiện có 838 hộ, với 3.737 nhân khẩu, đa số là đồng bào Raglai sinh sống tập trung ở 5 khu dân cư. Đồng chí Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Vài năm trở lại đây, nguồn thu nhập từ nông nghiệp của bà con đã dần được cải thiện, nhờ biết áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng chăn thả dưới tán rừng tự nhiên. Tuy nhiên do quan niệm lạc hậu về hôn nhân nên trên địa bàn xã vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, với tỷ lệ chiếm từ 20-30%. Theo thống kê của UBND xã Phước Hà, từ năm 2015 đến nay, địa phương có 7 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu vào các cặp vợ chồng trẻ ở thôn Giá và Trà Nô.

 Do vẫn còn tập tục lạc hậu dẫn đến tình trạng tảo hônvà hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: PH

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp UBND huyện Thuận Nam tổ chức Đại hội Câu lạc bộ (CLB) “Tư vấn tiền hôn nhân và gia đình trẻ” tại xã Phước Hà nhằm tuyên truyền và tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… góp phần thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Có mặt vào ngày thành lập CLB, chúng tôi chứng kiến đông đảo chị em đến tham gia và cảm nhận được phần nào sự vui mừng của lãnh đạo địa phương trong việc tìm hướng giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chị Bà Râu Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã, bộc bạch: Việc thành lập CLB giúp nhiều bạn trẻ tiếp cận những kiến thức cơ bản, từ đó có suy nghĩ đúng, nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân. Và đây cũng là nơi tạo cơ hội cho các thanh niên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và cùng chia sẻ những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý bản thân, qua đó chuẩn bị đầy đủ hành trang khi xây dựng gia đình.

Thiết nghĩ, ngoài việc nỗ lực tuyên truyền của các ngành, địa phương về các biện pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thì người dân địa phương cũng cần phải tích cực tìm hiểu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân cận huyết thống cũng như việc tảo hôn. Làm được điều này, sẽ góp một phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương khởi sắc và phát triển, giúp cho cuộc sống của đồng bào miền núi được đầy đủ và ấm no hơn.