Ông Nguyễn Văn Chiến phủ xanh vùng hoang hóa

(NTO) Rời tuyến đường ven biển, rẽ vào đường thôn Từ Thiện đi Bàu Ngứ (xã Phước Dinh, Thuận Nam) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vùng đất hoang hóa ngày nào đã được phủ xanh bằng những triền đồi mãng cầu tươi tốt. Hỏi người dân địa phương, chúng tôi được biết đó là vườn mãng cầu của ông Nguyễn Văn Chiến (ảnh) ở thôn Từ Thiện, được xem là một trong những người đi đầu trồng cây mãng cầu trên vùng đất khát.

 
Ông Nguyễn Văn Chiến.

Qua trò chuyện với ông Chiến, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực dám nghĩ, dám làm của ông. Trước kia, được gọi là vùng đất 2 không “không nước, không điện”, đất ở đây quanh năm khô cằn và hầu như chỉ trông chờ vào nước trời để sản xuất. Kể về những ngày đầu lập nghiệp đầy gian nan, ông nói: Năm 1978, tôi lên vùng đất Từ Thiện sinh sống. Thời bấy giờ, cả vùng đất rộng lớn nhưng bỏ hoang, xung quanh cũng chỉ có cây dại bụi nhỏ, cây xương rồng là sống nổi, vào mùa mưa thì cây cối xanh tốt hơn. Nhận thấy đất này chỉ cần có nước là có thể “hồi sinh”, vì vậy ngày qua ngày vợ chồng tôi khai hoang, chi tiêu tiết kiệm và bám đất này sinh sống. Rồi trời không phụ lòng người, trên vùng đất khô cằn ngày nào, gia đình tôi phát triển chăn nuôi cừu. Từ 20 con cừu ban đầu, sau nhiều năm chăn nuôi, phát triển đàn lên hơn 400 con. Để chủ động thức ăn cho cừu, tôi tranh thủ mùa mưa xuống giống đậu phộng, thu hoạch cây để ủ. Chính nhờ chăn nuôi mà gia đình tích lũy dần, có vốn cải tạo đất.

Ngoài việc thuê máy làm đất cày xới, bón phân chuồng trộn lẫn vào nhau cho đất xốp hơn, ông quyết định trồng cây lâu năm để phủ xanh vùng đất hoang hóa này và có thêm thu nhập. Qua tìm tòi, ông nhận thấy cây mãng cầu được các hộ dân ở các huyện khác trồng hiệu quả trên đất khô cằn, cho nguồn thu nhập khá. Năm 2009, ông quyết định bán một nửa đàn cừu lấy vốn đầu tư trồng trên 5 sào diện tích mãng cầu dai. Để chủ động nguồn nước, ông đầu tư gần 80 triệu đồng đào 2 ao gần suối và bắc đường ống về rẫy sản xuất của gia đình. Tiếp đó ông lại đầu tư làm đường điện hạ thế gần 100 triệu đồng để dùng mô-tơ điện bơm nước thay cho máy dầu, vừa giảm chi phí, vừa có điện chiếu sáng dùng trong gia đình. Nhờ am hiểu kỹ thuật mà nhiều năm vườn mãng cầu nhà ông trồng phát triển rất tốt, cho trái đều.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mãng cầu đang chuẩn bị thu hoạch, ông Chiến chia sẻ thêm: Nhờ chủ động nguồn nước mà mãng cầu dai của gia đình phát triển rất tốt, có khi 1 trái hơn 3 lạng, với giá trung bình dao động từ 25-35 ngàn đồng/kg. Trồng hơn 2 năm thì tôi bắt đầu thu hoạch, mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ trừ chi phí tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Có vốn, tôi sang nhượng thêm đất của người dân địa phương, đầu tư mở rộng diện tích đến nay gần 1ha, vì vậy mà vườn của gia đình xoay vòng, có trái bán quanh năm. Nhớ lại một thời, tôi cảm thấy mát lòng vì bao năm nỗ lực vượt qua khó khăn đã cho thành quả “ngọt”. Có thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn, có cây xanh mát mẻ nên ngôi nhà cũng không còn nằm một mình trơ trọi giữa cái nắng, cái nóng, vì được bao quanh bằng màu xanh tươi mát.

Ông Vũ Bá Đích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh, cho biết: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến không chỉ phát triển chăn nuôi mà còn trồng được cây lâu năm trên vùng đất hoang hóa. Những gì ông có được là nhờ quá trình học hỏi, tìm tòi để khắc phục khó khăn, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Nghị lực và sự cần cù của ông là tấm gương điển hình để nhiều hộ gia đình ở địa phương học tập.