Phước Hậu tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

(NTO) Toàn xã Phước Hậu (Ninh Phước) có 3.507 hộ/19.207 nhân khẩu, sinh sống trên 7 địa bàn dân cư. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho người dân nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Được xem là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, với lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào, tổng diện tích sản xuất trên 2.180 ha, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh-tế xã hội, xã Phước Hậu đẩy mạnh vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất… giúp người dân tự chủ trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nông dân xã Phước Hậu áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, cho năng suất cao.

Từ mục tiêu trên, các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực được quy hoạch, bố trí phù hợp theo thế mạnh từng vùng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp dồi dào, chất lượng cao. Nhiều mô hình hiệu quả được địa phương duy trì và nhân rộng như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 818 ha đã giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 15-17 triệu đồng/ha; mô hình liên kết canh tác lúa giống với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với gần 200 ha. Đặc biệt, mô hình thí điểm cánh đồng lớn được thực hiện trong vù hè-thu vừa qua với diện tích 56 ha, cho năng suất 7,7 tấn/ha, góp phần tăng thu nhập đáng kể so với lúa thương phẩm, tạo tiền đề nhân rộng trong vụ mùa năm nay trên diện tích 100 ha/247 nông hộ tham gia. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, cây táo được xem là cây trồng có nhiều triển vọng thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, xã vận động, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng trên 150 ha, năng suất đạt trên 40 tấn/ha. Ngoài ra, diện tích trồng nho trên địa bàn cũng phát triển khá mạnh với hơn 50 ha được trồng tập trung, sản xuất theo hướng VietGAP tại các thôn Trường Sanh, Trường Thọ, Hoài Nhơn cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Ngoài trồng trọt, để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển từ hình thức chăn thả tự do, phân tán nhỏ lẻ sang nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn hiện có gần 17.000 con. Để định hướng phát triển lâu dài, thông qua các Hội, đoàn thể, người dân còn được tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Điển hình như hộ ông Hán Văn Sang, ở thôn Hiếu Lễ, năm 2009, được Hội Nông dân xã xét cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tận dụng lợi thế đất vườn của gia đình, ông mua 5 con dê nuôi theo hình thức sinh sản kết hợp trồng cỏ. Từ việc đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ, nhờ vậy mà đàn dê phát triển khỏe mạnh, sinh sản nhanh, đem lại nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng/năm…

Những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân. Qua thống kê, năm 2017, tổng sản lượng lương thực của xã đạt trên 12.000 tấn, tăng 3,4% so với năm 2016; giá trị thu từ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 72,9% trong tổng giá trị sản xuất các ngành; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 4,6%.

Để định hướng phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới, đồng chí Hứa Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh việc tuyên truyền người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân; đồng thời, chú trọng hỗ trợ vốn vay, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… Góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.