Agribank Chi nhánh Ninh Thuận: Đồng hành cùng nông, ngư dân trong tỉnh

(NTO) Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 16,65% so với năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 13,2%, thủy sản tăng 19,91%. Để đạt được kết quả đó, ngoài nỗ lực của toàn ngành và từng nông hộ còn có “dấu ấn” từ nguồn vốn đầu tư của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Agribank Chi nhánh Ninh Thuận).

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Ninh Thuận cho biết: Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt trên 5.175 tỷ đồng, tăng 857 tỷ đồng so với năm trước, vượt 2% kế hoạch được giao, tốc độ tăng trưởng 19,85%. Trong số này, doanh số giải ngân trong năm theo tinh thần Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 4.557 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 4.190 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81%/tổng dư nợ, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn. Song song với đó, các Chương trình đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng được đơn vị chú trọng như cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ cho vay 150,6 tỷ đồng; đối với cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong năm, đơn vị đã ký kết hợp đồng cho vay với 17 khách hàng, thực hiện giải ngân cho vay với số tiền 198 tỷ đồng. Về cho vay các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã giải ngân 1.210 tỷ đồng, nâng mức dư nợ cho vay lên 2.066 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm...

 
Nhờ nguồn vốn của Agribank, nhiều nông hộ có cơ hội phát triển đàn gia súc, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Để đạt được những kết quả nêu trên, Agribank Chi nhánh Ninh Thuận đã bám sát định hướng của ngành cấp trên và chỉ đạo của tỉnh trong việc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các Chi nhánh tăng cường cơ cấu cho vay trung, dài hạn phục vụ cho vay tiêu dùng, các dự án đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ. Điều đáng nói là do hoạt động tín dụng của Agribank Chi nhánh Ninh Thuận luôn gắn với “tam nông” nên đã nhận được sự phối hợp tích cực của các ngành, địa phương và hội, đoàn thể liên quan từ khâu tuyên truyền, định hướng sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật... đến lập thủ tục vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả và quản lý nguồn vốn vay.

Ông Trần Thanh Sự, thôn Long Bình 1 (xã An Hải, Ninh Phước) chia sẻ: Trước kia, vì kinh tế khó khăn nên gia đình tôi đã vay Agribank 30 triệu đồng để mua bò và đầu tư trồng nho, lúa. Sau thời gian nhận thấy hiệu quả từ vốn vay, gia đình đã đáo hạn lên 80 triệu đồng để tiếp tục mở rộng chăn nuôi sản xuất. Đến nay, gia đình đã có 6 con bò sinh sản và hiện đang trồng thêm 2 sào cỏ để làm thức ăn chăn nuôi. Với những hiệu quả thiết thực mà nguồn vốn vay của Agribank mang lại, gia đình tôi rất phấn khởi, bởi nếu không có nguồn vốn của Agribank thì khó có cơ hội để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình như bây giờ.

Phấn khởi là vậy nhưng vẫn còn không ít trăn trở của cả đơn vị cho vay lẫn nông, ngư dân. Ông Nguyễn Duy Hưng nhìn nhận: Việc đầu tư vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một lĩnh vực rộng, đối tượng đầu tư chịu nhiều tác động của thời tiết, thiên tai, rủi ro bất khả kháng. Mặt khác, quy hoạch sản xuất, thị trường nông sản hàng hóa bấp bênh, tình trạng “được mùa, mất giá” xảy ra thường xuyên ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy, hải sản nên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, dẫn đến thu hồi vốn chậm. Đây là trở ngại lớn đối với việc đầu tư tín dụng, làm hạn chế nhu cầu của người vay. Cho nên Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực này, mặc dù vậy trên thực tế vẫn còn rất ít các tổ chức tín dụng tham gia vì ngại rủi ro, chủ yếu Agribank chiếm thị phần lớn trên địa bàn. Đối với đầu tư vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cũng còn nhiều vướng mắc như việc cho vay vốn lưu động sau khi đóng tàu yêu cầu ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết nhưng quản lý dòng tiền hết sức khó khăn, vì hoạt động mua, bán vật tư, hàng hóa, hải sản phục vụ đầu vào, đầu ra của quá trình khai thác, hậu cần nghề cá nhiều khi được thực hiện ngay ngoài biển, ngân hàng khó giám sát được hoạt động này, đồng thời ngư dân phải đáp ứng được việc thanh toán không dùng tiền mặt theo Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10-4-2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên khó thực hiện. Mặt khác, một số tàu sau khi hạ thủy đi vào khai thác lại không hiệu quả; khả năng tài chính của chủ dự án yếu; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất chưa phù hợp với tàu có công suất lớn... cũng là cản ngại trong đầu tư vốn.

Nêu ra những kết quả cũng như trăn trở qua thực tế thực hiện để thấy rằng bên cạnh chính sách phù hợp thì “dòng chảy” nguồn vốn thông suốt hay không còn tùy vào sự “tương tác” tích cực giữa đơn vị cho vay và người vay. Mong rằng năm 2018, các nông, ngư dân trong tỉnh tiếp tục nhận được sự tiếp sức mạnh mẽ từ Agribank Chi nhánh Ninh Thuận như lãnh đạo đơn vị đã “cam kết”.