Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(NTO) Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ta đạt 57,19 điểm, giảm 0,26 điểm và xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 7 bậc so với năm 2015. Với quyết tâm tạo sự đột phá để cải thiện chỉ số PCI, năm 2017 tỉnh ta đã tập trung nhiều giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số PCI.

Ngay sau có kết quả công bố xếp hạng PCI năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu báo cáo phân tích, đánh giá kết quả PCI năm 2016 và các giải pháp trọng tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2017; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2083/KH-UBND ngày 30-5-2017 về triển khai thực hiện Chương trình hành động nâng cao PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2017 theo hướng phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ngành và địa phương dựa trên 111 nhiệm vụ cụ thể của 10 chỉ số thành phần; phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh gắn với gặp mặt doanh nghiệp năm 2017.

 
Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.  Ảnh: V.M

Một trong những nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số PCI đó là UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá những việc làm được, chưa được của từng đơn vị và xem đây là thước đo khách quan để đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm công việc, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư. Trong đó, chủ động gửi thông tin cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp (DN) (đến nay đã cập nhật được địa chỉ E-mail khoảng 950 doanh nghiệp và đã gửi các thông tin về chính sách của tỉnh, thông tin về PCI cho DN); chủ động gửi Phiếu khảo sát DN trên cơ sở phiếu điều tra khảo sát của VCCI cho các DN và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để khảo sát sơ bộ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và cảm nhận của DN về các chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh… Song song đó, việc cải thiện và nâng cao từng chỉ số cũng được tỉnh ta chú trọng, đặc biệt là chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) đang triển khai liên thông “một cửa điện tử” trong xử lý các thủ tục đầu tư, thực hiện hiệu quả việc đăng ký DN qua mạng và trả kết quả qua đường bưu điện, đến nay có 95/115 thủ tục đạt tiêu chuẩn dịch vụ công mức độ 4; thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN được rút ngắn đáng kể, bình quân là 2,32 ngày làm việc (bình quân cả nước 2,92 ngày); tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng tăng mạnh, góp phần giảm đáng kể thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký DN; đối với lĩnh vực đăng ký đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư xuống còn 30 ngày làm việc (quy định là 35 ngày làm việc). Đồng thời, để bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ DN, tạo môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 887/KH-UBND ngày 17-3-2017 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp; Kế hoạch số 1127/KH-UBND ngày 3-4-2017 về hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2017 và Kế hoạch số 1874/KH-UBND ngày 22-5-2017 về phát động phong trào thi đua “DN Ninh Thuận Hội nhập và phát triển” đến năm 2020, tạo động lực thúc đẩy phát triển DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh cho DN trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, việc loại bỏ các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp đã giúp cho DN giảm bớt chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước và chi phí gia nhập thị trường; đồng thời, thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật DN và các Nghị định hướng dẫn thi hành về Khởi sự kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Qua đánh giá thực chất về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan, đơn vị cho thấy mức độ hài lòng của tổ chức, DN là tương đối tốt, một số lĩnh vực nhận được sự hài lòng cao của DN như thái độ phục vụ của cán bộ viên chức trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận và giao trả hồ sơ có sự quan tâm nhiệt tình, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, bộ phận hỗ trợ DN hoạt động tốt, có sự quan tâm nhiệt tình đã mang lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức khi đến liên hệ giải quyết công việc. Đặc biệt, tại các hội nghị gặp mặt, đối thoại và kết nối ngân hàng với DN, Hợp tác xã và các buổi đối thoại với DN, nhà đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tạo sự thân thiện và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh…

Đồng chí Trương Xuân Vỹ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tiếp tục cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng, tỉnh xác định còn nhiều việc phải làm và luôn coi PCI là công cụ để soi lại mình, tự đổi mới, bứt phá vươn lên đồng hành cùng DN. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính quyết định đó là sự đổi mới tư duy, nhận thức từ quản lý DN sang phục vụ DN, coi DN là đối tác hợp tác bền vững lâu dài trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời các giải pháp về hỗ trợ DN theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, nhất là thực hiện đổi mới công tác đối thoại DN đi vào thực chất và tần suất nhiều hơn để tạo thuận lợi tốt nhất cho cộng đồng DN tham gia, nhằm lắng nghe và chỉ đạo giải quyết tốt nhất các tồn tại vướng mắc của DN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các loại hình DN.