Đẩy mạnh hoạt động thương mại

(NTO) Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2017, hoạt động thương mại của tỉnh ta vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 17.586 tỷ đồng, tăng 13,34% so với năm trước.

Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu của hoạt động thương mại là lĩnh vực thương nghiệp với tổng doanh thu đạt 13.486 tỷ đồng, chiếm 76,68% và tăng 13,10%. Tiếp đến là các nhóm ngành: Khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành đạt 2.581 tỷ đồng, chiếm 14,64%, tăng 13,38%. Riêng nhóm ngành dịch vụ, dù chỉ chiếm 8,64% nhưng vẫn đóng góp vào nguồn thu không nhỏ, với giá trị sản xuất trên 1.519 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Đối với hoạt động xuất khẩu, tổng kim ngạch trong năm ước đạt 75,7 triệu USD, trong đó đáng chú ý là mặt hàng khăn bông đang phát huy tốt tiềm lực và tăng khá mạnh, ước đạt 2,6 triệu USD, tăng 149,4% so với cùng kỳ, được xem là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm 2017.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại chợ Phan Rang.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 3 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 101 chợ các loại trải đều khắp từ thành thị đến vùng nông thôn, với hình thức kinh doanh, buôn bán đa dạng, vừa phát huy được loại hình kinh doanh truyền thống, vừa phát triển được một số dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, tại các khu dân cư nhiều cửa hàng tạp hóa, đại lý cũng ngày một phát triển khá mạnh. Hệ thống này tuy có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh không cao, nhưng đáp ứng khá tốt nhu cầu mua sắm của người dân địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và một số xã đông dân cư miền núi.

Mặc dù hệ thống phân phối hàng hóa ở tỉnh ta khá phong phú, nhưng để đảm bảo ổn định thị trường và kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, trong năm 2017, Sở Công Thương đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức 4 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các huyện: Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước và 62 chuyến bán hàng lưu động về phục vụ người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức cho 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia Hội nghị kết nối thị trường sản phẩm đặc thù. Phối hợp Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ - chi nhánh Ninh Thuận mở 1 điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại số 210 đường Thống Nhất (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm). Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 4325/KH-UBND ngày 24-10-2016 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay Sở Công Thương đã tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Công Thương 250 triệu đồng, đang phối hợp với UBND huyện Thuận Nam chọn chợ Cà Ná để thí điểm mô hình đối các với mặt hàng thịt và ăn uống...

Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn trong tình trạng kém phát triển, chưa đảm bảo tính hài hòa. Hầu hết các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại đều nằm ở khu vực đô thị, còn tại các vùng nông thôn, hệ thống phân phối hàng hóa còn nhỏ lẻ, hoạt động mua bán chủ yếu thông qua loại hình truyền thống như chợ, các cửa hàng nhỏ và hệ thống phân phối lưu động của các công ty, tổng đại lý. Đó là chưa nói đến việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp; thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế...

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và thực tế hoạt động của hệ thống thương mại hiện có, trong năm 2018, Sở Công Thương sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương để tập trung đầu tư phát triển hệ thống thương mại phù hợp theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương, mua sắm của nhân dân. Phấn đấu đến cuối năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 13 - 14% so với cùng kỳ năm trước.

Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, Sở Công Thương tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và doanh nghiệp để đẩy mạnh việc xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị đi đôi với việc mở rộng hệ thống chợ. Quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin dự báo thị trường cho các doanh nghiệp... Trước mắt, Sở Công Thương tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để người dân và các doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả. Cùng với đó, ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và dự trữ các loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tăng cường kiểm soát hệ thống phân phối lưu thông, việc thanh, kiểm tra, niêm yết giá bán của tiểu thương, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của nhà nước về đầu cơ, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp tết để trục lợi bất chính.