Người trưởng thôn tận tụy với cộng đồng

(NTO) Năm 2008, thôn An Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước) được tách ra thành hai thôn, cũng kể từ đấy ông Nguyễn Hữu Dục (ảnh) đảm trách cương vị Trưởng Ban Quản lý thôn An Thạnh 2. Trong suốt gần 10 năm tham gia công tác, ông luôn tận tụy với cộng đồng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong vai trò Trưởng thôn.

Vừa qua, ông được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cá nhân tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2017.

Ông Nguyễn Hữu Dục.

Thôn An Thạnh 2 có 620 hộ/2.285 nhân khẩu, đa số người dân sinh sống bằng nghề nông, trong đó riêng khu dân cư mới có 300 hộ/1.000 nhân khẩu, cũng là nơi ông Nguyễn Hữu Dục sinh sống. Đến đây nhìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, chúng tôi không khỏi ấn tượng về thành tích đóng góp quan trọng của ông. Ngay sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Hải và cán bộ thôn tổ chức tuyên truyền cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2017, nhận thức được trách nhiệm của mình, không chỉ hưởng ứng và đóng góp công sức, ông còn tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân tham gia thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động. Để hướng người dân vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ông nhận thấy vấn đề cần tập trung đầu tiên là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Với suy nghĩ đó, mỗi khi huyện hoặc ngành chức năng mở các lớp tập huấn, ông chịu khó vận động nhân dân thường xuyên tham gia để nắm bắt các kỹ thuật về sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, canh tác nho, táo hoặc chăn nuôi dê, bò vỗ béo...

Những năm trước đây, An Thạnh 2 có nhiều đoạn đường nội thôn lầy lội, rất khó khăn cho việc đi lại vào mùa mưa. Phát huy trách nhiệm của người trưởng thôn, ông Nguyễn Hữu Dục đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, cụ thể có 13 hộ hiến 825 m2 đất để mở rộng đường đi; đáng nói bà con còn đóng góp 90 công lao động tự gỡ hàng rào và di dời các chướng ngại vật. Ông Dục nhớ lại: Hiểu được tâm lý bà con, tôi phân tích rõ lợi ích mà mọi người được hưởng nếu mở rộng đường và bê tông hóa, ban đầu có một vài hộ e ngại nhưng rồi bà con đồng thuận và hồ hởi thực hiện. Theo sự huy động của ông, người dân thôn An Thạnh 2 đã góp tiền của, công lao động, cùng nhau hoàn chỉnh công trình đường giao thông, chỉnh trang khu dân cư. Tính riêng trong năm 2017, ông đã vận động nhân dân bê tông 1.050 m đường nội đồng và nội thôn với tổng kinh phí gần 424 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 201 triệu đồng. Trong quá trình thi công, ông Nguyễn Hữu Dục cùng người dân giám sát chặt chẽ nên chất lượng công trình được bảo đảm. Dẫn chúng tôi tham quan con đường do người dân hiến đất, ông giải thích: Trước kia, đây chỉ là đường bờ ruộng cũ nhỏ hẹp, bây giờ nó là đường nội thôn được bê tông dài 150 m, rộng 2,5 m, trong đó kinh phí nhà nước gần 77 triệu đồng, người dân góp gần 32 triệu đồng.

Bám vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Nguyễn Hữu Dục thường xuyên vận động nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa; xây dựng “Thôn văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; thực hiện tốt hương ước, quy ước ở khu dân cư. Đáng chú ý là nỗ lực của ông trong công tác vận động người dân thôn An Thạnh 2 tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những năm trước đây, trong thôn phát sinh nạn trộm cắp tài sản, nhất là ở khu dân cư mới vốn nằm khá xa làng cũ. Với quyết tâm ngăn chặn tội phạm trộm cắp, giữ gìn bình yên thôn xóm, ông Dục cùng các tổ chức đoàn thể thôn thành lập Tổ Thanh niên xung kích bảo vệ an ninh trật tự gồm 5 thành viên. Để tổ hoạt động hiệu quả, ông vận động bà con trong khu xóm mới đóng góp mỗi hộ 10 ngàn đồng/tháng làm kinh phí hỗ trợ sinh hoạt của tổ. Hằng đêm tổ phân công tuần tra và khi xảy ra vụ việc đều có mặt xử lý kịp thời. Qua mô hình Tổ Thanh niên xung kích, nạn trộm cắp đã giảm hẳn và tình hình an ninh trật tự chuyển biến rõ rệt.

Năng nổ, trách nhiệm, hằng năm ông Nguyễn Hữu Dục luôn được cấp ủy, chính quyền xã biểu dương và đề xuất tỉnh, huyện khen thưởng. Trao đổi với chúng tôi về thành tích của mình, ông bộc bạch: Tôi có một lợi thế là có các con trưởng thành nuôi dưỡng nên bản thân không lo về kinh tế, do đó có cơ hội hơn người khác để tham gia công tác xã hội, có thể dành nhiều thời gian cho công việc của thôn, xã.