Ngành Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

(NTO) Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành một thách thức lớn nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng. Nhận rõ vấn đề này, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng kinh tế xanh, bền vững.

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Trong năm 2017, ngành đã tập trung thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động quan trắc môi trường đã ghi nhận, phát hiện và cảnh báo kịp thời các điểm phát sinh ô nhiễm, qua đó giúp các đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị của Bộ TN&MT, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức 38 cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với 219 tổ chức, cá nhân. Qua thanh kiểm tra, phát hiện 83 tổ chức và 26 cá nhân vi phạm, qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức và 1 cá nhân, với số tiền 813,4 triệu đồng; Bộ TN&MT xử phạt vi phạm hành chính 13 tổ chức, với số tiền 2,98 tỷ đồng.

Công viên 16 Tháng 4 - “lá phổi xanh” của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: T.Long

BVMT nước sông Cái đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt loại A nhằm phục vụ cấp nước sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, năm 2014, Sở đã tổ chức điều tra các nguồn nước thải trên lưu vực sông Cái, kết quả có 23 nguồn nước thải có lưu lượng từ 50 m3/ngày-đêm trở lên, trong đó, 8 nguồn nước thải đổ trực tiếp và 15 nguồn nước thải không thải đổ vào sông Cái Phan Rang. Do đó, công tác quan trắc chất lượng nước sông Cái được thực hiện nghiêm túc với tần suất 1 lần/tháng, quan trắc nước dưới đất với tần suất 4 lần/năm, mặt khác, theo dõi, giám sát chặt chẽ 8 nguồn nước thải đổ vào sông Cái. Theo kết quả quan trắc, chất lượng nước sông Cái qua các năm không biến động nhiều và đều đạt chất lượng nước loại A của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt) dùng cấp nước sinh hoạt.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) ứng dụng các quy trình phân tích
để xác định hàm lượng các kim loại trong đất, nước, không khí.

Song song đó, công tác giám sát, thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, công trình, biện pháp BVMT tại các khu, cụm công nghiệp và nhà máy chế biến được tăng tường. Hiện nay, 8 cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày-đêm trở lên, gồm: Nhà máy Chế biến rong sụn của Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc); Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú của Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn); Nhà máy Bia Sài Gòn của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận tại Khu Công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)... đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Cùng với đó, 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại (thuộc các nhóm ngành: y tế, sản xuất và truyền tải điện năng...) với khối lượng trên 600 kg/năm đã được Sở TN&MT cấp Sổ quản lý chất thải nguy hại và toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh tại các cơ sở đều được thu gom, xử lý đúng theo quy định của Bộ TN&MT. Riêng 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khối lượng chất thải nguy hại phát sinh dưới 600 kg/năm, để kiểm soát chặt chẽ và hỗ trợ các cơ sở này xử lý chất thải nguy hại đúng quy định, Sở TN&MT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 11-1-2017 về việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại này. Đến nay, cùng với việc tổ chức tập huấn triển khai phổ biến Kế hoạch đã nêu cho 160 cơ sở sản xuất, Sở TN&MT còn phối hợp với Công ty TNHH TM&DV Môi trường Việt tổ chức 2 đợt thu gom chất thải nguy hại tại 25 cơ sở sản xuất với tổng khối lượng trên 8,6 tấn. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của 8 Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải tại các khu vực Cụm Công nghiệp Tháp Chàm, Khu Công nghiệp Thành Hải, khu vực cụm mỏ đá Tây Nam Lạc Tiến, khu vực mỏ đá Hòn Giài và khu vực cụm mỏ đá Cô Lô-Kà Rôm tiếp tục được duy trì và tăng cường.

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh cho biết thêm: Trong thời gian tới, để góp phần xây dựng kinh tế xanh, bền vững, ngành tiếp tục tăng cường giám sát, bảo đảm 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày-đêm trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 100% chất thải y tế nguy hại và chất thải nguy hại công nghiệp được kiểm soát và xử lý đúng quy định. Kiên quyết không đưa các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất mới vào hoạt động khi không đáp ứng các yêu cầu về BVMT. Đồng thời, ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT...